Một giấc ngủ sâu là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển não của trẻ nhỏ. Việc ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến khả năng đọc, khả năng ngôn ngữ của trẻ, và có nguy cơ dẫn đến chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý). Một số phụ huynh có xu hướng để con ngủ chung với họ nhằm hy vọng làm tăng mối liên kết giữa cha mẹ và con, nhưng thực tế, việc làm này có thể dẫn đến rối loạn và nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, còn một số sai lầm khác mà cha mẹ đã vô tình mắc phải, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con trẻ.
Bài viết dưới dây của tác giả Alice Perkmini sẽ điểm qua 10 sai lầm phổ biến ở các bậc phụ huynh, nhằm giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ.
1. Không tập thói quen ngủ cho con
Việc thiết lập thói quen đi ngủ là điều cần thiết cho con của bạn. Thói quen này sẽ giúp bé cảm thấy bình tĩnh và ngủ nhanh hơn. Xây dựng một thời khóa biểu xác định cũng đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ biết được khi nào đến giờ đi ngủ. Và cuối cùng, trẻ sẽ dần quen với việc đi ngủ đúng giờ và mong đợi đến giờ đó, vì thế trẻ sẽ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và dễ dàng hơn.
2. Không vui chơi đủ khi còn thức
Trẻ nhỏ cũng giống như người lớn chúng ta, nếu ban ngày càng bận rộn, càng mệt mỏi, ban đêm sẽ càng ngủ nhanh hơn. Vì thế, cha mẹ hãy cố gắng cho con trẻ tham gia vào càng nhiều hoạt động có thể. Trò chuyện và hát, vận động chân tay, đi dạo và tận hưởng một ngày tươi đẹp, tất cả những hoạt động này sẽ làm cho trẻ bận rộn hơn và sẵn sàng đi vào giấc ngủ.
3. Không nhận ra những dấu hiệu
Đôi lúc các bậc phụ huynh thường tốn khá nhiều thời gian trước khi cho con của họ đi ngủ, chẳng hạn như chờ đến khi đứa trẻ khóc. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho chúng ta biết rằng trẻ đã mệt và cần được ngủ. Khi đứa trẻ trở nên khó chịu, nắm chặt nắm tay, nhìn chỗ khác mà không nhìn bạn, hoặc nhìn chằm chằm vào khoảng không, hoặc dụi mắt, chà tai, đó chính là thời điểm bạn cần cho trẻ ngủ.
4. Không để bé học cách tự làm dịu
Một thời gian biểu xác định với những khoảng thời gian đưa cho bé ngủ hoặc mát xa có thể giúp bé thư giãn và biết rằng đã đến giờ ngủ. Nhưng thỉnh thoảng, tốt hơn bạn nên bỏ qua bước này và để bé tự làm dịu, nhờ đó bé có thể học cách ngủ mà không nhờ đến sự giúp đỡ. Và đó cũng chính là lý do bạn không nên phản ứng trước mọi âm thanh của đứa con ở tuổi tập đi khi chúng đang ngủ.
Lý do thứ nhất là vì những âm thanh đó không nhằm để báo bạn rằng đứa trẻ thức và cần đến bạn. Chúng có thể đang trải qua những giai đoạn khác nhau của giấc ngủ, và việc bạn đến kiểm tra có thể làm chúng thức giấc. Thứ hai, một nghiên cứu đã chứng minh rằng khi cha mẹ chờ lâu hơn trước khi phản ứng với tiếng động của con, đứa con sẽ càng có khả năng học cách tự làm dịu cao hơn.
5. Để đứa trẻ ngủ trong phòng có nhiều ánh sáng
Một số cha mẹ nghĩ rằng khi đứa trẻ ngủ trưa vào ban ngày, cha mẹ nên đặt chúng vào một căn phòng có đầy đủ ánh sáng để học cách phân biệt giữa ngày và đêm. Tuy nhiên, đây lại là một sự nhầm lẫn. Trái lại, bóng tối có tác dụng giúp trẻ bình tĩnh, và thúc đẩy sự sản xuất hocmoon melatonin, giúp điều hòa giấc ngủ.
6. Cho trẻ ngủ giường quá sớm
Dù con của bạn phát triển và có vẻ lớn hơn khung cũi của chúng, hoặc bạn có thêm một bạn nhỏ khác nữa, đừng vội chuyển con của bạn sang ngủ giường. Hầu hết những đứa trẻ chuyển từ khung cũi sang giường trong độ tuổi từ 1 tuổi rưỡi đến 3 tuổi rưỡi. Nếu bạn chuyển quá sớm sẽ gây rối loạn và cảm giác không thoải mái ở trẻ. Hoặc bạn có thể thấy con bạn đi quanh nhà vào lúc nửa đêm, vì chúng đã quen với hàng rào của khung cũi và không thể điều khiển chính mình khi không có bộ khung này. Nếu con của bạn ở độ tuổi tập đi và chúng bắt đầu trèo ra khỏi khung cũi, bạn nên cân nhắc việc cho trẻ ngủ ở giường.
7. Ngăn cản mọi tiếng ồn
Việc cố ngăn cản hết mọi tiếng ồn làm sao nhãng không phải là hoàn toàn lý tưởng. Nếu con của bạn ngủ trong môi trường hoàn toàn im lặng, chúng có thể gặp khó khăn trong việc ngủ sau này, khi không phải lúc nào cũng ngăn được mọi tiếng ồn. Đôi lúc bạn có thể sử dụng thiết bị tạo tiếng ồn thân thiện để giúp con bạn ngủ dễ hơn, nhưng cũng hãy lưu ý sử dụng cách cẩn thận và đừng lạm dụng.
8. Để trẻ thức quá lâu
Có thể bạn nghĩ rằng việc giữ cho trẻ thức lâu sẽ làm trẻ mệt hơn, ngủ nhanh hơn và ở trên giường lâu hơn. Tuy nhiên, việc làm này có thể khiến thời gian biểu cho giấc ngủ của trẻ trở nên lộn xộn và giấc ngủ trưa ngắn hơn. Trong khi giấc ngủ ngắn là điều bình thường với trẻ sơ sinh, thì những đứa trẻ ở độ tuổi lớn hơn cần những giấc ngủ trưa dài hơn. Vì thế, nếu giấc ngủ của trẻ ngắn, có thể chúng vẫn còn mệt.
9. Cho trẻ ngủ chung với người lớn
Một số bậc phụ huynh chọn cách cho trẻ ngủ chung với mình. Tuy nhiên, khi làm việc này bạn đang gởi một thông điệp lộn xộn cho trẻ về nơi chúng ngủ. Và hậu quả là chúng có thể khó ngủ khi ngủ trong khung cũi hay khi không có bạn ở đó. Ngoài ra, việc cho trẻ ngủ chung với bố mẹ thật sự có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và những cái chết liên quan đến giấc ngủ khác.
10. Để trẻ ngủ trưa quá lâu
Việc trẻ sơ sinh ngủ từ 13 đến 15 tiếng một ngày là bình thường, tuy nhiên, khi trẻ đã qua tuổi tập đi, cha mẹ không nên cho trẻ ngủ trưa quá 3 tiếng mỗi ngày. Việc ngủ quá nhiều trong ngày khiến thời gian biểu co giấc ngủ không lành mạnh, và con của bạn có thể gặp khó khăn khi đi ngủ vào buổi tối.
Theo BrightSide
118 views
Bài viết liên quan