3 lý do khiến Tết này không còn vui như Tết xưa

Có nhiều người hay than vãn, họ bảo rằng Tết càng ngày càng chán. Bạn có đang cảm thấy như vậy? Có phải chăng khi con người ta lớn lên, Tết đều trở nên mất vui, do bản thân người đó cảm thấy như vậy, hay là do Tết đang dần “biến chất”, không còn như xưa. Nếu bạn cũng đang thắc mắc vấn đề này, hãy đọc qua 3 lý do và bạn sẽ tìm được câu trả lời cho bản thân mình. 

Mục lục: 

  • Tết trong lòng người Việt Nam
  • Lý do Tết này không còn vui như Tết xưa 
  • Công việc bận rộn
  • Thời gian nghỉ Tết ngắn 
  • Bạn đã lớn rồi

Tết trong lòng người Việt Nam 

Tết có một ý nghĩa rất lớn trong lòng mỗi con người Việt Nam. Được biết đến là lễ hội lớn nhất trong năm, Tết là dịp để những người con xa xứ trở về nhà, có những bữa ăn quây quần bên gia đình của mình. Là dịp để gia đình, dòng họ hỏi thăm nhau, trò chuyện với nhau về năm cũ đã qua hay những điều mong chờ ở một năm mới. Có lẽ vì những lý do đó, nên Tết vẫn luôn là thời gian được nhiều người mong đợi nhất. 

Cái Tết hiện đại đã không còn quá thiếu thốn hay khó khăn, tuy nhiên hình ảnh về một cái Tết xưa vẫn còn hiện hữu trong tâm trí của những người đã từng lớn lên từ sự đơn sơ, thiếu thốn trong quá khứ.

Tết này chẳng giống Tết xưa

Chẳng ai còn nhớ Tết xưa thế nào

Tết xưa cảm xúc nao nao

Tết nay cảm xúc cho vào hư vô

Tết xưa sếp thưởng tiền đô

Tết nay sếp thưởng hàng lô về dùng

Tết xưa chẳng muốn trôi qua

Tết nay chỉ muốn ở nhà cho xong

Tết xưa dạo bộ lòng vòng

Tết nay đánh võng uốn cong vỉa hè

Tết xưa bánh kẹo nước chè

Tết nay thanh niên chỉ nhăm nhe hút cần

Tết xưa nhọ nồi tình thân

Tết nay “sát phạt” mới gần nhau hơn

Tết xưa mọi thứ giản đơn

Tết nay vay mượn để hơn mọi người

Tết xưa xong Tết vui cười

Tết nay xong Tết nhiều người bi oan

Tết xưa được nhận phong bao

Tết nay con cháu nhao nhao đòi quà

Tết xưa tụ họp gần xa

Tết nay chỉ thấy lên bar, vũ trường

Tết xưa đốt pháo đầy đường

Tết này đốt pháo lên phường nha bây

Tết xưa đi hội ngắm cây

Tết nay đi hội bẻ cây bẻ cành

Tết xưa con trẻ hiền lành

Tết nay tí tuổi đã thành “dân chơi”

Cho dù thay đổi nhiều rồi

Nhưng đừng quên Tết ai ơi nhớ về!

Tết là dịp để gia đình quay quần bên nhau
Tết là dịp để gia đình quay quần bên nhau

1. Công việc bận rộn 

Với tốc độ của cuộc sống hiện tại, con người dường như đang chạy đua với cuộc sống hàng ngày. Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến nhiều người chỉ biết lao đầu vào công việc bất kể thời gian. Nếu như Tết xưa bắt đầu từ hôm 23 – đưa ông Táo về trời, thì Tết nay, 30 vẫn chưa gọi là Tết. Có những người do công việc quá bận rộn, phải đến 29,30 Tết họ mới có mặt ở nhà, họ không có đủ thời gian để chuẩn bị cho Tết như những người khác. Năm hết Tết đến, dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa đón Tết là một trong những công việc gia đình Việt không thể bỏ qua. Ngày xưa, các thành viên trong gia đình thường giúp nhau dọn dẹp còn ngày nay vì quá bận rộn nên họ thường dọn dẹp qua loa hoặc sử dụng dịch vụ dọn dẹp bên ngoài. 

Ngày xưa chỉ vài chiếc bánh chưng, hộp mứt Tết, dăm ba lạng thịt là cũng có thể thành Tết – những cái Tết đơn sơ nhưng ấm áp, tràn đầy kí ức. Còn ngày nay, phải bánh mức đủ món, phải mai vàng trước sân, phải trang hoàng nhà cửa, phải sắm sửa quần áo,… như vậy mới có thể gọi là Tết. Cuộc sống trở nên đầy đủ hơn, Tết có nhiều thứ hơn nhưng lại dần mất đi cái ấm áp của Tết ngày xưa. 

2069 phong tuc3
Công việc bận rộn khiến nhiều người không thể chuẩn bị cho mình một cái Tết trọn vẹn

2. Thời gian nghỉ Tết ngắn 

7- 10 ngày là thời gian nghỉ Tết của đa số nhiều người.  Nếu như do công việc quá bận rộn, họ không thể có một sự chuẩn bị đầy đủ cho cái Tết của mình thì thời gian nghỉ quá ngắn cũng là một lý do cộng thêm để khiến cái Tết của họ không còn trọn vẹn. Đôi khi họ bắt buộc phải đưa ra những sự lựa chọn, hoặc là đi du lịch cùng gia đình, hoặc là đi chúc Tết họ hàng. Họ không có đủ thời gian để làm tất cả những gì mình muốn. 

Thay vì tận hưởng Tết như những người khác, có những người phải trải qua một cái Tết vội vã. Vội vã đi thăm ông bà, chúc Tết họ hàng, vội vã đưa ba mẹ đi du lịch, vội vã đi họp mặt bạn bè, thầy cô,..Vậy thì liệu Tết có còn vui như xưa?

3. Bạn đã lớn rồi 

Không còn là những cô cậu mười mấy tuổi, chỉ chờ tới Tết để được nhận lì xì, ăn bánh kẹo. Nhiều  người cảm nhận Tết không còn sôi động như xưa, Tết nay trở nên lặng hẳn đi. Lớn rồi cũng khiến bạn phải lo nhiều thứ hơn, không thể cứ ăn chơi, chạy hết nhà này qua nhà khác như những đứa nhỏ. Bạn phải lo tiếp khách cùng ba mẹ, lo bánh mức, ăn uống, dọn dẹp cho gia đình. Lúc này bạn sẽ ước gì bây giờ mình nhỏ lại, để có thể tận hưởng Tết một cách trọn vẹn mà chẳng cần lo nghĩ gì.

Có nhiều người sợ Tết, việc phải chi tiêu quá nhiều làm họ sợ, việc phải gặp mặt họ hàng cũng làm họ sợ,.. Họ đã đủ lớn để có thể nhận thức được những ý nghĩa trong từng câu nói của mọi người. Sẽ là một cái Tết rất vui nếu như mọi người hiểu nhau, dành cho nhau những lời hỏi thăm, những câu chúc tốt đẹp nhất. Nhưng bạn biết đấy, có những việc sẽ không bao giờ như chúng ta nghĩ.  

Tết xum vầy bên gia đình, bạn bè
Tết xum vầy bên gia đình, bạn bè

Đối với bản thân tôi, Tết cũng đã bắt đầu chán. Vì vậy, tôi chọn cho mình một cái Tết “an toàn”. Mùng 1, mùng 2 đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Còn tất cả các ngày Tết còn lại, tôi đều dành thời gian nằm ở nhà, xem Tivi, đọc sách,.. việc đó sẽ làm cho bạn có cảm giác giống như những ngày thường và hình như, Tết đã hết rồi. 

Còn gần 1 tháng nữa là Tết 2020 đã đến, bạn đã chuẩn bị gì để mình có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình bạn bè chưa?

69 views