Ở Việt Nam, Trung thu là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa được tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Vào ngày này trăng sáng nhất, tròn nhất và mọi người quây quần bên mâm cỗ, sum vầy bên gia đình hay bạn bè.
Nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, Tết Trung thu được tổ chức dưới thời nhà Lý tại kinh thành Thăng Long tỏ lòng vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, cho con dân ấm no.
Có rất nhiều hoạt động được tổ chức đón Tết Trung thu như chơi đèn lồng, múa lân, bày mâm cỗ, ăn bánh Trung Thu,… Hôm nay, mình hướng dẫn các bạn về cách làm đèn lồng nên chúng mình hãy cùng tìm hiểu một tí về lý do vì sao đèn lồng lại là một trong những món đồ đặc biệt trong dịp này nhé!
Lý giải phong tục chơi đèn lồng trong ngày Tết Trung Thu
Tết Trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đối với người Trung Hoa, đèn lồng được treo trước cửa nhà tượng trưng cho sự may mắn bình an. Một số lại được làm thành dạng đèn Hoa Đăng, sau khi ghi những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa. Hay đèn Khổng Minh là loại đèn có kích thức lớn được thắp nến ở giữa, sau khi viết ước nguyện thì thả lên bầu trời ý muốn gửi thời thỉnh cầu của con dân tới các vị thần linh.
Còn với người Việt, đèn lồng trung thu được làm với vô số hình dáng như bông hoa, cá, gấu, chim…chủ yếu được làm thủ công từ tre và giấy gió, giấy màu, tô vẽ hoặc thêu bên ngoài đèn để trang trí với đủ màu sắc sáng rực rỡ, vô cùng xinh đẹp, cho trẻ em chơi trung thu là chính. Một số ít người dân cũng theo tục treo đèn lồng trước cửa hay hiên nhà với mong muốn cầu bình an, may mắn. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.
Theo các nhà nghiên cứu biểu tượng văn hoá của thế giới ý nghĩa cái đèn biểu tượng cho sự toả sáng, ngọn đèn tượng trưng cho con người. Việc cúng dâng đèn vào một điện thờ cũng có nghĩa là tự hiến dâng mình, đặt mình dưới sự bảo vệ của các đấng vô hình và các thần bản mệnh.
Hướng dẫn cách làm lồng đèn tại nhà
Tết Trung Thu hay Rằm Trung Thu được mọi người biết đến là ngày Tết thiếu nhi. Trong ngày này, lồng đèn là một trong những món đồ chơi không thể thiếu đối với các bạn nhỏ. Thay vì mua, bạn có thể cùng con làm một chiếc đèn lồng từ những nguyên liệu rất đơn giản, giúp con có một mùa Trung Thu trọn vẹn và hạnh phúc.
Có rất nhiều cách làm lồng đèn từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau. Tuy nhiên, bài viết này mình xin giới thiệu đến các bạn 3 cách làm lồng đèn Trung thu bằng giấy đơn giản nhất mà mình biết để các bạn có thể tự làm cho con trong dịp Trung thu sắp đến.
1. Lồng đèn Trung thu hình thoi
– Chuẩn bị:
- Giấy màu
- Bút chì
- Thước kẻ
- Keo dán
- 1 đoạn dây len (nếu cần để làm dây quay cho đèn lồng hoặc bạn có thể dùng giấy để làm)
– Cách thực hiện:
Bước 1: Chuẩn bị một tờ giấy màu A4, sau đó bạn gấp đôi tờ giấy theo chiều dọc, sao cho các mép giấy trùng nhau và thật ngay ngắn.
Bước 2: Vẽ những đường thẳng song song trên mặt giấy khoảng 1 – 1.5cm, hai đầu mép giấy nên chừa lại khoảng 2cm. Sau đó dùng kéo để cắt theo những đường đã vẽ.
Lưu ý: Bạn nên dùng thước để đo các khoảng cách sao cho đều nhau để khi cắt chiếc lồng đèn sẽ đều, đẹp hơn.
Bước 3: Mở tờ giấy gập này ra và gấp tròn lại theo chiều ngang rồi dùng keo dán nối hai mép giấy đầu và cuối lại với nhau cho thật chặt.
Bước 4: Dùng bút đục hai lỗ hai bên đối diện nhau ở đầu trên của chiếc đèn lồng, luồn dây len vào để làm quai. Hoặc dùng một đoạn giấy màu khác có độ dài khoảng 15cm dán vòng cung vào một đầu của chiếc lồng đèn để tạo thành tay cầm lồng đèn. Như vậy bạn đã hoàn thành xong chiếc đèn lồng giấy vô cùng đơn giản rồi.
Bạn hoàn toàn có thể cắt dán hoặc vẽ để trang trí thêm cho chiếc lồng đèn của mình thật xin xắn, đáng yêu.
2. Lồng đèn Trung thu hình ngôi sao
– Chuẩn bị:
- Giấy màu
- Bút chì, thước kẻ, thước đo độ
- Kéo, dao cắt giấy
- Băng dính hai mặt
- 1 đoạn dây để làm tay cầm
– Cách làm:
Bước 1:
- Lấy một tờ giấy màu, vẽ một tam giác có góc tù 120 độ, sau đó vẽ thêm một tam giác đối xứng với nó qua cạnh đối diện góc tù (hai tam giác có chung một cạnh này). Tiếp tục vẽ thêm tam giác thứ 3 đối diện với tam giác thứ 2, lặp lại như vậy cho đến khi có được 4 tam giác bằng nhau.
- Vẽ tương tự như vậy vào 4 tờ bìa tiếp theo để tạo thành 5 cánh của ngôi sao.
- Vẽ thêm các đường thẳng song song với đường biên giấy để dán.
– Bước 2:
- Trang trí chiếc đèn Trung thu bằng cách vẽ thêm các hoa văn, hoạ tiết như hình tam giác, tứ giác, hình tròn, hoa, lá…lên một hình tam giác của một cánh sao. Sau đó, dùng dao cắt giấy khoét rỗng các hoa văn vừa vẽ để tạo ra các khoảng trống phát ra ánh sáng khi thắp đèn.
- Làm tương tự cho các cánh sao còn lại, để các cánh của ông sao có hoa văn giống nhau thì bạn có thể lấy cánh sao đầu tiên đã khoét rồi đặt lên các cánh tiếp theo để cắt là được. Bạn nên chọn cùng 1 vị trí cho tất cả các cạnh của ngôi sao nhằm giúp cho chúng đều nhau hơn.
– Bước 3: Bạn gấp các nếp của hình tam giác trong mỗi cánh đèn ông sao rồi gấp nhẹ tay hình tam giác lên thành một cánh sao 3d có 2 cạnh rồi dán đầu cuối vào nhau. Bạn làm tương tự với các cánh còn lại để đủ 5 cánh của ngôi sao nhé!
– Bước 4: Bạn cần dán các cánh sao lại với nhau bằng cách dùng băng keo hai mặt dán vào các đường thẳng song song với biên giấy đã vẽ ở bước 1, sau đó dán các mép gấp lại với nhau là tạo thành chiếc lồng đèn ngôi sao hoàn chỉnh.
Lưu ý: Khi dán phần cánh sao cuối cùng, bạn không nên dán kín mà chừa ra một phần để có thể luồn sợi dây vào bên trong để tạo quay xách.
– Bước 5: Lấy đoạn dây đã chuẩn bị buộc vào cánh sao cuối cùng để treo lên hay buộc vào cây cầm để bé cầm đi chơi. Khi thực hiện bước này, bạn có thể cho đèn điện tử vào trong ngôi sao để phát ra ánh sáng cho đẹp nhé.
3. Đèn giấy nhún
– Chuẩn bị:
- Dao rọc giấy hoặc kéo
- Giấy gói quà, hoặc các loại giấy mềm (nên chọn loại có màu sắc rực rỡ, họa tiết bắt mắt)
- 1 tấm bìa cứng hoặc giấy các tông để làm viền và đế đèn
- 1 đoạn cây dài khoảng 15cm được vót gọn gàng để bé cầm không bị trầy xước, dễ nhất là chọn một cây đũa tre
- 1 đoạn kẽm
- 1 đoạn dây để treo lồng đèn
- Keo dán, bút chì, thước kẻ
– Cách làm như sau:
Bước 1:
- Cắt giấy theo khổ (40×50)cm hoặc (38×48)cm, giấy gói quà thì bạn cắt đôi sẽ được khổ đúng kích cỡ.
- Đo, vẽ các đường thẳng song song nhau ở mặt phía trong theo chiều dài của tờ giấy, khoảng cách giữa các đường thẳng khoảng 1cm là đẹp (có thể bỏ qua bước này nếu chắc rằng bạn gấp đều nhau và thẳng hàng).
Bước 2: Theo chiều dài tờ giấy (theo đường kẻ) gấp giống như xếp quạt giấy theo hình 1 – 2, tiếp theo gấp nếp ngắn theo hình 3 (mỗi nếp gấp bằng một đốt ngón tay) để tạo hình dáng cho chiếc đèn lồng, mở ra sẽ được như hình 4. Bạn cuộn tròn và dán lại để được hình trụ của lồng đèn.
Chú ý: Nhúng theo hướng cong vào trong để tạo thành vòng tròn
Bước 3: Lấy một tấm bìa cứng cắt thành hình tròn để làm đế (nên vẽ và cắt hình tròn cho đế lồng đèn nhỏ hơn một chút so với lồng đèn), phần giấy còn lại cắt hình tròn nhưng khoét giữa để dán phía nắp trên của chiếc lồng đèn như hình 4.
Bước 4: Quấn đoạn dây kẽm vào thanh cây hoặc đũa tre đã chuẩn bị để tạo thành lò xo làm lõi cắm nến, cố định lò xo vào đế. Sau đó, dán đế và vành trên (đã làm ở bước 3) vào lồng đèn.
Sau khi làm xong các bước trên, mở ra và chỉnh sửa lại cho đều những chỗ bị móp méo là bạn đã được chiếc lồng đèn hình trụ rồi đấy
Bước 5: Cuối cùng, dùng đoạn dây đã chuẩn bị luồng vào hai mép trên cột cố định lại để làm dây quay cho lồng đèn (có thể cột thêm vào thanh cây hoặc cây đũa để cho bé cầm đi chơi), sau đó thêm một ít ruy băng đính dưới đáy là đã hoàn thành chiếc lồng đèn xếp trung thu siêu đáng yêu.
4. Lồng đèn hình quả cầu
– Chuẩn bị:
- Giấy màu loại mỏng (có thể chọn đủ màu cho đẹp)
- 1 tờ giấy bìa cứng
- 1 tờ giấy trắng
- 2 cây bút màu
- Kim, chỉ
- Kéo, keo dán (nên dùng loại hồ khô dán không bị ướt giấy màu sẽ không bị nhàu, đẹp hơn)
– Cách làm:
Bước 1: Dùng bìa cứng cắt hình tròn có kích cỡ chiếc lồng đèn bạn mong muốn, cắt thành 2 nửa bằng nhau. Sau đó, bạn cắt thêm 40 – 50 lớp giấy màu hình chữ nhật lớn hơn chút so với nửa miếng bìa tròn.
Bước 2:
- Dùng miếng giấy màu hình chữ nhật đặt lên tờ giấy trắng, đánh dấu lên tờ giấy trắng 5 đường thẳng xen kẽ hai màu khác nhau (như hình mình để màu xanh và hồng để các bạn dễ hình dung). Sau đó, bạn sử dụng keo dán phết dọc theo đường màu hồng với lớp giấy màu đầu tiên. Đặt lớp giấy ăn thứ 2 lên trên và phết theo đường màu xanh.
- Lặp lại bước trên cho đến khi hết các miếng giấy màu hình chữ nhật đã cắt sẵn. Lưu ý, để chiếc lồng đèn có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt hơn thì khoảng 5 lớp giấy bạn nên thay đổi giấy màu khác xen kẽ.
Bước 3:
- Đặt nửa miếng bìa tròn lên lớp giấy vừa mới dán rồi dùng bút màu đánh dấu xung quanh miếng bìa. Sau đó cắt miếng giấy thành hình bán nguyệt theo đường đã vẽ.
- Dán miếng bìa vào 1 mặt của xấp giấy màu, miếng bìa còn lại khoét một phần ở giữa rồi dán vào mặt còn lại của xấp giấy màu.
Bước 4: Sử dụng kim, chỉ khâu 2 đầu của xấp giấy, buộc hơi lỏng và chừa 1 đoạn chỉ để treo đèn lồng
Cuối cùng, bạn chỉ cần mở miếng giấy ra là đã hoàn thành một chiếc lồng đèn hình cầu đủ màu sắc. Thật đẹp phải không nào!
Với 4 cách làm đèn lồng mà mình đã hướng dẫn, mong rằng sẽ đem lại những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công. Nếu thấy hay và ý nghĩa, bạn dừng quên chia sẽ bài viết này để mọi người cùng tham khảo nhé!
1357 views
Dụng cụ để làm mua có dễ k b ơi