5 nguyên tắc cần lưu ý khi cãi nhau với người ấy

Giận dỗi vốn là một loại “gia vị” không thể thiếu trong tình yêu đôi lứa. Yêu đương đôi khi cũng phải có trục trặc thì tình cảm mới thêm đậm đà, bền chặt. Tuy nhiên, cũng có những cặp đôi không thể kiểm soát được loại “gia vị” này, dặm hơi quá tay nên tình yêu vì thế tan vỡ. Dễ không phải dễ, khó cũng không phải khó, cần một chút khéo léo để có thể biến chuyện cãi nhau trở thành một điều thú vị trong tình yêu. Để cãi nhau không dẫn đến chia tay, mà sau đó, ta hiểu người kia hơn, yêu hơn và trân quý hơn. 

Sau đây là một vài nguyên tắc giúp bạn kiểm soát tốt hơn mức độ mâu thuẫn của hai người trong những “cuộc chiến” nảy lửa…

1. Đừng viết điều gì lên MXH ngay trong cơn giận

Trong cơn nóng nảy bập bùng, tức giận, buồn bực vì người ấy không hiểu mình, phần cảm thấy ức chế tột độ, bạn muốn có một con đường nào đó để giải tỏa. Với các anh chàng, đi nhậu sẽ là một giải pháp hữu hiệu, còn với các cô nàng, có lẽ điều có thể làm ngay chính là viết tràn giang đại hải trên facebook, instargram, zalo… những lời trách móc, đá xéo, than vãn, khóc lóc ỉ ôi. Mặc dù đó cũng là cách để giải tỏa phần nào căng thẳng, áp lực trong lòng bạn, tuy nhiên, hành động này cũng có những tác động xấu đến tình cảm và cuộc sống của bạn sau đó. 

hands woman laptop notebook
Viết những lời khó nghe trên MXH không giải quyết được vấn đề, chỉ làm rối thêm khúc mắt…

Một đoạn trạng thái trên MXH đôi khi chỉ giúp bạn hạ hỏa trong giây lát, nhưng lại trở thành cột mốc xấu trong mối quan hệ của hai bạn. Nó sẽ hiện hữu và xoáy thẳng vào tự ái của người còn lại, tạo nên những rối ren chằng chịt hơn nữa trong cơn đại chiến. Bạn không viết ra, sẽ không ai biết, nhưng một khi bạn đã kể lể ra đấy, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người sẽ biết. Có những người phớt lờ đi, cũng có những người ghé qua, để lại một lời “động viên”  dạng sát thương nguy hiểm. 

Vì vậy, đừng viết gì lên MXH ngay trong cơn nóng giận, càng không nên trách móc, mắng chửi người ấy của bạn trên đó. Sai đúng gì hãy đợi cơn nóng giận nguôi ngoai, ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn với nhau, bằng lời lẽ, bằng ánh nhìn, mới hiểu và thông cảm cho nhau được. MXH nếu không được sử dụng một cách thông minh sẽ vô tình trở thành con dao hai lưỡi làm tổn thương đến mối quan hệ của bạn. 

2. Đừng nói dễ dàng nói lời chia tay

Thường thì lời chia tay rất dễ được buông ra trong lúc cãi nhau, bởi vì đó là lúc chúng ta cảm thấy buồn, hụt hẫng, tức giận, chán nản nhất. Ngay thời điểm đó, chúng ta chỉ muốn chấm dứt tất cả để kết thúc những cảm xúc tiêu cực, sự chịu đựng nào đó mà bấy lâu kìm nén trong người. 

pexels photo 773124
Chỉ nói lời chia tay khi bạn không còn yêu người ấy nữa thôi nhé…

Một lời khuyên cho bạn nếu bạn thực sự muốn gìn giữ mối quan hệ này đến suốt cuộc đời, đó là đừng dễ dàng buông lời chia tay trong lúc cãi nhau. Bởi vì sự thật là, không phải ai cũng có thể ngày này qua tháng nọ chịu đựng sự bốc đồng của bạn. Mỗi một lời chia tay sẽ là một vết nứt nhỏ. Lâu ngày, những vết nứt cộng dồn lại với nhau sẽ thành một vệt hở lớn, làm gãy đứt mối quan hệ hoàn toàn. 

Lời chia tay chỉ nên nói ra khi bạn thực sự đã cảm thấy không còn yêu thương người đó nữa, chứ không nên nói ra trong cơn nóng giận. Hãy hạn chế nó lại, bằng tình yêu và sự bao dung của bạn. Đây cũng xem như là cách để bạn thể hiện sự trân trọng mối quan hệ này. 

3. Hạn chế cãi nhau chỗ đông người

Có một sự thật là chúng ta làm sao biết được lúc nào mâu thuẫn xảy ra để lựa chọn địa điểm thích hợp mà cãi. Xung đột là cái thứ có thể xảy ra ở bất cứ chốn nào, bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bởi vậy, nói hạn chế cãi nhau chỗ đông người cũng không phải điều dễ thực hiện. 

Nhưng, hạn chế có nghĩa là giảm đến mức tối thiểu những cuộc cãi vã chốn đông người, như là ở công viên, trên đường phố, trong siêu thị, nơi làm việc. Hãy lôi nhau về nhà, hoặc đến những nơi có  ít người, riêng tư mà cãi nhau. Suy cho cùng, chuyện cãi nhau cũng là một chuyện riêng tư mà, đúng không? Vì thế, đừng để nó ảnh hưởng đến những người không liên quan, cũng đừng đem chuyện riêng tư của bạn mà phô diễn trên đường, để mỗi người đi ngang qua ngắm nhìn một chút. Trông cũng hơi kỳ, đúng không?

Hạn chế cãi nhau chỗ đông người còn là cách để bạn giúp cho người ấy của mình thoát khỏi cảm giác khó xử. Khi mà một người đàn ông và một cô gái cãi nhau trên đường, thường thì những người đi qua sẽ nhìn vào người đàn ông bằng ánh mắt khó chịu. Chẳng cần biết chuyện gì đã xảy ra, để cho một cô con gái khóc lóc, vật vã trên đường, lỗi “auto” thuộc về người còn lại. Lúc đó, người ấy của bạn cũng chẳng biết giấu mặt đi đâu, cũng không thể để bạn lại đó một mình. Thật là tiến thoái lưỡng nan!

4. Nói ra điều mà mình muốn

Hầu hết những cuộc đại chiến xảy ra là do hai người không hiểu được ý nhau, dẫn đến không hài lòng và cãi cọ. Chúng ta nên hiểu rằng, cấu tạo não của nam và nữ khác nhau, mà cho dù có giống nhau thì cũng không ai hiểu hết ý muốn của ai bao giờ. Bên cạnh đó, có một phương tiện rất đơn giản mà ngoại trừ trẻ sơ sinh ra, ai cũng có thể làm được, đó là dùng ngôn ngữ. Nói ra, viết ra, gì cũng được, chỉ cần bạn thông báo rõ cho người kia là bạn muốn cái gì, bạn cần cái gì. Nếu nói chuyện trực tiếp không tiện, bạn hãy viết đi, viết một dòng tin nhắn, một mẩu giấy cũng được. Điều đó thì không khó khăn gì đúng không nào?

Nói ra chính là cách dễ nhất để chúng ta hiểu nhau. Và việc dò đoán mong muốn, suy nghĩ của người khác thì chẳng khác nào mò kim đáy bể. Bạn không thể suốt ngày bắt người ấy phải đoán xem bạn đang nghĩ gì, đang muốn gì. Nó thực sự mệt mỏi hơn bạn tưởng. 

5. Hãy là người mở lời trước 

Cuộc cãi nhau nào rồi cũng đến hồi kết. Cơn nóng giận trôi qua. Và bạn bắt đầu cảm thấy mình có lỗi. Nhưng! Lại một chữ “nhưng” to đùng hiện ra. “Mình không thể mở lời trước được, như thế còn đâu là thể diện!”

pexels photo 1021145
Bằng cách nào đó, hãy nói ra những gì bạn đang nghĩ, một cách nhẹ nhàng và chi tiết nhất…

Thôi nào! Hãy nghĩ xem, người ấy là gì trong lòng bạn? Chẳng phải là người mà bạn muốn gắn bó cả đời đó sao? Một lần tạm gác cái tôi của mình sang bên, chủ động làm lành với người ta trước, mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Cứ kéo dài sự bực dọc, giận dỗi trong người cũng chỉ tự làm khổ bản thân mình mà thôi. 

Nói lời ngọt ngào ngay sau trận chiến có lẽ hơi khó, bạn cũng có thể hỏi thăm một chút thôi, ví dụ : “Anh/em đói không? Hôm nay anh/em sao rồi?” Chỉ cần thể hiện một chút sự quan tâm, người kia sẽ biết bạn đang có tín hiệu muốn hòa bình và “phối hợp” cùng bạn. 

Và nếu không nói ra, bạn cũng có thể làm gì đó mà! Bạn ngồi sau xe anh ấy, chủ động vòng tay ôm nhẹ. Chắc chắn “gã” ta sẽ cười mỉm một chút rồi cảm thấy hạnh phúc lâng lâng trong lòng. Nhân cơ hội này, “gã” sẽ giữ chặt tay bạn và…mọi chuyện lại như chưa có gì. 

Tình yêu muôn màu muôn vẻ. Nếu có cách để mọi thứ đơn giản hơn, tại sao chúng ta lại phải làm cho chúng trở nên phức tạp? Một điều quan trọng là, bạn đừng nên đòi hỏi ở người kia quá nhiều những năng lực “siêu to siêu khổng lồ” mà hãy nói ra cùng anh ấy/ cô ấy. Trên đây chỉ là những mẹo cơ bản cho một cuộc cãi nhau diễn ra không quá nghiêm trọng. Trong tình yêu của riêng bạn, hãy mở lòng mình ra một chút với người ấy, bằng yêu thương, bằng sự ấm áp của trái tim. Mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, thật đấy!

104 views