7 dấu hiệu nhận biết một “con nghiện Facebook”

Ngày nay Facebook đã trở thành 1 phần tất yếu của cuộc sống và ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Với hơn 1 tỉ người sử dụng, chẳng khó khăn gì để “ném đá” hay tấn công 1 ai đó trên “phây”. Phần lớn thời gian người ta sử dụng Facebook là để cập nhật status, đăng ảnh, bình luận và “like”. Tất cả càng trở nên dễ dàng thuận tiện hơn với sự phát triển mạnh mẽ của các loại điện thoại thông minh, 3G và Wi-fi.

Bạn có thể dễ dàng sử dụng Facebook bất cứ khi nào và bất kỳ ở đâu, và không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người “nghiện” trang mạng xã hội này. Bạn có thể nói “Có gì sai nếu tôi sử dụng Facebook 1 cách thường xuyên như 1 phương tiện giải trí hay 1 phương thức giảm stress?” – Không có gì sai cả. Tuy nhiên, khi các hoạt động trên Facebook bắt đầu gây trở ngại cho cuộc sống thường nhật hay tác động xấu tới công việc của bạn, bạn đã có vấn đề.

Dưới đây là dấu hiệu của chứng “nghiện Facebook” mà bạn cần lưu ý:

1.Chia sẻ quá nhiều

chia sẻ quá nhiều
chia sẻ quá nhiều

Ngay tại thời điểm nhiều cư dân mạng quan ngại về tính bảo mật trên mạng, thật đáng ngạc nhiên khi vẫn có rất nhiều người sẵn lòng chia sẻ những bí mật, những điều riêng tư thầm kín trên Facebook. Có lẽ đó là cảm giác hài lòng khi được người khác nhận biết và chấp nhận. Như đã đề cập trong mục “Tâm lý học về Facebook”, sự tán thưởng trên mạng của những người bạn chính là chìa khóa cho sự ra đời của các trang mạng xã hội.

Không có căn cứ nào để nói rằng chia sẻ bản thân trên mạng là sai lầm, bởi vì mỗi chúng ta đều có nhu cầu của riêng mình; đó chính là Con người. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là việc chia sẻ quá nhiều, kể quá nhiều về bản thân rồi có lúc khiến chúng ta hối hận về những điều mình đã nói. Khi chúng ta “ghiền” 1 điều gì đó, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để tìm thấy sự thỏa mãn. Trong trường hợp “nghiện” Facebook, chúng ta có thể không kiểm soát được điều gì thích hợp để chia sẻ hay điều gì vượt quá giới hạn bảo mật.

2. Truy cập Facebook bất cứ lúc nào có thể

truy cập facebook bất cứ lúc nào có thể
truy cập facebook bất cứ lúc nào có thể

Có nghĩa là bạn sẽ kiểm tra cập nhật và các bình luận, hồi đáp cho bài đăng của mình bất cứ khi nào bạn không biết làm gì. Nói cách khác, bạn sẽ mặc định chọn lên Facebook trong thời gian rảnh của mình. Bạn luôn để trang Facebook mở sẵn trên màn hình, liên tục di chuyển từ cửa sổ Facebook với cửa sổ công việc. Thậm chí ngay cả khi bạn đi ra ngoài cùng bạn bè, bạn cũng đăng nhập Facebook qua ứng dụng điện thoại và chộp lấy từng khoảnh khắc nhỏ để cập nhật.

Kết quả là bạn bị phân tâm trong bất cứ việc gì bạn đang làm và sự có mặt của bạn ở 1 khoảnh khắc nào đó khó mà trọn vẹn. Bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn đáng kể để hoàn thành 1 công việc đơn giản. Còn bạn bè của bạn sẽ than phiền khi thấy bạn thiếu tập trung cần thiết vào cuộc trò chuyện. Chẳng có gì phải ngạc nhiên cả, bởi vì sự tập trung của bạn đã được dành cho 1 thông báo nào đó của Facebook!

3. Quan tâm quá mức tới “hình ảnh trên Facebook”

Quan tâm quá mức tới hình ảnh trên Facebook
Quan tâm quá mức tới hình ảnh trên Facebook

Đã bao giờ bạn dành hơn 15 phút để suy nghĩ phải viết điều gì trên status của mình? Sau khi quyết định viết và đăng lên, bạn có háo hức mong chờ xem, mọi người sẽ hồi đáp thế nào? Đây là vấn đề “hình ảnh trên Facebook”. Chúng ta đều có xu hướng quan tâm tới hình ảnh của mình trong mắt phần còn lại của thế giới dù là qua các phương thức trực tuyến.

Tuy nhiên có 1 số người lại dành quá nhiều thời gian để tạo ấn tượng với người khác. Họ mất kiểm soát trong việc luôn cố gắng tìm kiếm điều gì đó dễ thương, hài hước, vui nhộn để đăng tải, để tỏ ra mình là 1 người thú vị. Sau đó, họ không ngừng chờ đợi người khác bình luận, “thích” điều mình vừa đăng, và liên tục kiểm tra xem có thông báo nào từ Facebook hay không.

4. Thông báo trên Facebook

Hầu hết chúng ta đều có những người bạn trên mạng gần như chẳng bao giờ không xuất hiện trên thông báo tin tức (newsfeed) của chúng ta mỗi khi chúng ta đăng nhập Facebook. Đó có thể là những cập nhật status hay đăng tải vài bức hình. Họ có xu hướng đăng tải ngay cả những vấn đề dung tục, chẳng hạn như thông báo cho người khác biết mình đang làm gì tại từng thời điểm. Họ còn thông báo cả những thói quen hằng ngày (thậm chí đi vệ sinh!), những địa điểm chẳng lấy gì làm thú vị như con phố mình đang sống, đăng tải hình chân dung hay những việc tương tự.

Đó như là những nỗ lực nhằm nhắc nhở người khác về sự tồn tại của họ. Những người như vậy đang cố gắng đưa cuộc sống thực của mình vào Facebook. Nếu bạn cũng nằm trong số đó, bạn nên tự đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân cho những “thông báo” đó. Thực tế, đó chẳng qua là 1 nỗi ám ảnh khiến bạn cứ phải đăng tải 1 điều gì, dù tầm phào hay rởm rít đi nữa, nhằm trút nhẹ nỗi lo không có gì để đăng!

5. Dành nhiều giờ lướt Facebook

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu mỗi ngày bạn dành khoảng 1 giờ để cập nhật tin tức hay trang cá nhân của mình trên Facebook, nhưng nếu vượt qua con số đó, đã xuất hiện dấu hiệu của vấn đề. Dẫu biết có rất nhiều thứ đáng quan tâm trên Facebook như hình ảnh, trò chơi hay nhiều ứng dụng thú vị khác, nhưng nếu bạn lạm dụng quỹ thời gian công việc của mình 1 cách không mục đích trên Facebook, bạn cần phải xem lại.

Sẽ càng tồi tệ khi bạn bỏ cả giấc ngủ của mình để “lên phây”. Điều đó có nghĩa là thời gian thức đã không còn đủ thỏa mãn “cơn nghiện” Facebook của bạn. Không có gì phải nghi ngờ, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng xấu tới công việc hay học tập của bạn; và lúc đó “chứng nghiện Facebook” đã trở thành 1 vấn đề thực sự.

6. Thêm bạn 1 cách vội vã điên rồ

Đối với 1 số người, chứng nghiện Facebook có thể biểu hiện qua khao khát mãnh liệt thêm nhiều bạn mới. 1 cuộc “chạy đua vũ trang” giữa bạn và những người khác để xem ai là người có số lượng bạn bè đông đảo nhất trên mạng. Điểm cốt lõi ở đây là “có thể nhận biết”, bởi bạn nghĩ rằng có 1 cuộc ganh đua nào đó, nhưng thực chất lại chẳng hề có (người khác không hề quan tâm xem họ có nhiều hay ít bạn hơn bạn). Sự ganh đua đó chẳng qua như 1 sự tự huyễn hoặc rằng bạn trở nên “nổi tiếng” hơn.

Theo 1 cuộc khảo sát do các nhà tâm lý học tại Đại học Edinburgh Napier thực hiện, điều thú vị là các cư dân Facebook càng có nhiều bạn trên mạng thì càng dễ bị căng thẳng. Khi có thêm càng nhiều bạn, áp lực thể hiện mình với nhiều kiểu người khác nhau sẽ càng lớn trong khi vẫn phải giữ tâm thái vui vẻ. Nói 1 cách khác, cuộc ganh đua trong việc thêm bạn sẽ dẫn tới 1 cái vòng luẩn quẩn những căng thẳng liên quan đến Facebook, và kết cục là chứng nghiện sẽ càng trầm trọng thêm.

7. Tổn hại tới đời sống thực

Khi bạn đã quá quen với việc kết nối Facebook qua những tin nhắn, những tấm hình, những bình luận hay “like”, bạn sẽ có cảm giác thoải mái với thế giới ảo hơn là thế giới thực. Bạn trở nên quá phụ thuộc vào Facebook để thỏa mãn các nhu cầu xã hội của mình và sẵn sàng hy sinh quỹ thời gian dành cho việc gặp gỡ với bạn bè trong đời thực.

Điều đó không lành mạnh chút nào. Rõ ràng những cuộc gặp gỡ trực tiếp luôn mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu hơn giao lưu trực tuyến – qua mạng ta không thể nhận biết từng ngôn ngữ hình thể, từng cử chỉ động tác, âm sắc,v.v… Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những tin nhắn văn bản thường bị diễn dịch sai, dẫn tới hiểu lầm. Về lâu dài, cuộc sống thực của bạn sẽ bị tổn hại bởi bạn đã giới hạn phạm vi giao tiếp của mình trong Facebook mà bỏ quên những người bạn trong đời thực của mình.

Vượt qua chứng nghiện Facebook

Điểm lại tất cả các dấu hiệu và triệu chứng của “chứng nghiện Facebook” kể trên, khó có ai trong chúng ta thấy mình hoàn toàn miễn dịch với chúng. Chia sẻ quá nhiều ư? – Có đấy. Làm mới nguồn tin trên Facebook mỗi khi có cơ hội? – Có luôn. Ta có thể an ủi bản thân là không phải lúc nào ta cũng sa đà như vậy mà chỉ trong những khoảnh khắc nhất định, những giai đoạn nào đó thôi mà! Ta tự trấn an rằng “còn lâu mình mới mắc chứng nghiện Facebook!”

Chủ quan như vậy là không nên đâu! Người chơi Facebook khôn ngoan hãy biết rằng có những giải pháp hết sức cụ thể để đối phó và “chủng ngừa” chứng nghiện Facebook!

Đầu tiên tự bản thân bạn phải nhận ra vấn đề của mình, sau đó đặt ra những thời gian biểu cố định cho việc lên Facebook, tắt bỏ tất cả những thông báo tin tức không cần thiết. Tuy nhiên tốt hơn hết là bạn phải giải quyết căn nguyên của vấn đề, đó là tìm ra lý do vì sao bạn quá phụ thuộc vào Facebook.

  • Phải chăng bạn bám lấy Facebook như 1 “cái phao” cho những vấn đề gặp phải trong công việc hay gia đình? 1 khi tìm ra căn nguyên của vấn đề, bạn sẽ có thêm tự tin để đối mặt với chứng nghiện của mình. Nếu bạn không tìm ra, đó có thể là do thói quen. Hãy thử rời xa Facebook, đi ra ngoài hít thở khí trời và trải nghiệm thế giới thực với những cuộc gặp gỡ trực tiếp. Bạn sẽ nhận ra nhiều điều kỳ thú bị quên lãng thay vì suốt ngày cắm mặt vào màn hình Facebook. Và đó là lúc sự thay đổi bắt đầu!
242 views