Có thể ngay lúc này đây, bạn đang bâng quơ dạo qua phần cập nhật tin tức, băn khoăn tự hỏi làm thế nào và làm sao mà Facebook lại làm hỏng cuộc sống của ta được. Truyền thông xã hội có thể là 1 thứ tuyệt vời đấy chứ. Qua Facebook, ta có thể tìm lại được những bạn bè và người thân tưởng từ lâu đã “bóng chim tăm cá”, chia sẻ ảnh trên khắp toàn cầu và kết nối với những người chia sẻ với ta nhiều sở thích. Nhưng ở đâu đó giữa những dòng cập nhật trạng thái và nút bấm “Thích” này, ta đã không chống lại nổi sức cám dỗ của cơn cuồng Facebook. Không tin ư? Sau đây là 9 lý do không thể chối cãi giải thích tại sao Facebook lại đang phá hủy cuộc sống của ta – hay chí ít, là phá hoại khả năng đạt hiệu suất cao của chúng ta.
1.Đừng hòng mà có quyền riêng tư!
Quyền riêng tư, hay đúng ra là thiếu riêng tư, chính là lý do hàng đầu giải thích tại sao Facebook đang phá hỏng đời sống của ta. Bạn có thể thay đổi cài đặt riêng tư để chỉ cho phép xuất hiện cực ít trên Facebook. Nhưng sớm muộn gì thì thông tin, địa điểm, các mối bạn bè, các mối quan hệ, lịch sử công việc hay ảnh chụp của bạn cũng sẽ hiện ra trước mắt ai đó mà bạn vốn không định quen biết. Khi dính dáng đến truyền thông xã hội hay vấn đề quyền riêng tư, thì 1 điều quan trọng phải nằm lòng, ấy là: Không có gì là riêng tư trên Internet hết!
2. Ai cũng là “giáo sư Biết-Tuốt” về chính trị
Không gì có thể khơi ra 1 cuộc chiến bình luận trên Facebook hơn 1 bài diễn thuyết được nhồi nội dung chính trị trên cập nhật trạng thái. À, còn cả những thứ dính dáng đến hành vi văn hóa… và cả đường dẫn đến các trang phê phán đảng phái chính trị này nọ. Tự do ngôn luận thì cũng tốt thôi. Nhưng khi trang cập nhật tin tức của bạn biến thành 1 bục phát ngôn ảo, mọi chuyện xem ra rất tệ hại đấy. Nếu bạn không chịu “dứt tình” với tất cả những tay buôn chuyện chính trị trên Facebook, thì chắc bạn sẽ cân nhắc việc ẩn đi các bài đăng của họ để bảo toàn sự tỉnh táo sáng suốt của chính mình.
3. Đám thú cưng dễ thương ngốn hết cả thời gian rảnh của bạn
Thật thế đấy. Có phải dòng cập nhật nào trên Facebook cũng có dính dáng chính trị vào để kích động bất hòa giận dữ đâu. Thực tế là, hầu hết cập nhật trong phần tin tức đều dễ thương phát khùng. Mà vấn đề lại chính ở chỗ đó. Bạn phải lướt qua bao nhiêu là mèo con, thỏ con, chó con mặt ngắn choằn, lợn con bé xinh hay cả con kỳ lân có sừng trước khi thoát khỏi Facebook và quay lại với thế giới thực? Nếu đồ dơ cần giặt đang chất đống, tủ lạnh thì trống trơn và bạn có 1 chậu bát chén cần rửa cao như núi, thì chắc đã đến lúc phải tạm dừng Facebook và tập trung vào những việc cần kíp xung quanh nhà cái đã. Đám thú vật bông xù mềm mại trên Facebook vẫn cứ ở đó khi quay lại. Chắc chắn!
4. Bạn biết quá nhiều về mọi người
Bạn thân thì chuyện gì chẳng kể nhau nghe, chẳng thế còn gì? Nhưng 400 người “bạn” trên Facebook thì chuyện gì cũng nói được. Chị A. đang ăn cái bánh. Anh B. đang “buồn như chuồn chuồn” vì “mãi chẳng kiếm được em nào”. Còn chị C. thì chiều nay có cuộc hẹn với bác sĩ ở phòng khám phụ khoa. Cái gì vậy trời??? Bạn có phải người duy nhất thấy mấy thứ này là quá lố rồi không? Mọi người phải chia sẻ từng giây từng khắc đi-lại-hít-thở với toàn thể Facebook hay sao?
5. Những tấm ảnh “không đỡ nổi” được tải lên và gắn thẻ trước khi bạn kịp có ý kiến
Ai chẳng từng gặp cảnh như thế. 1 “pô” vô tư lúc bạn đang ăn xiên chả trong bữa cổ gia đình, hay những tấm ảnh bạn tình cờ góp mặt làm nền…mà bạn đang đứng ngây như phỗng, miệng há hốc còn 2 tay giơ thẳng lên trời. Ta chỉ biết cảm ơn sự kết hợp quá lố giữa điện thoại thông minh và Facebook vì tất cả chuyện này. Thật may, khi nào bạn vào máy tính, bạn có thể “gỡ thẻ” cho mình ra khỏi những tấm ảnh chọc giận ấy.
Nhưng tất nhiên, đến lúc ấy đã là quá muộn. Nếu là 1 “pô” ảnh có tạo dáng đàng hoàng, các cô nàng chải chuốt chụm vào với nhau và cả nhóm quyết định xem tấm nào sẽ được đăng lên. Chơi thế thì rất đẹp. Nhưng nếu bạn lại chỉ góp mặt làm nền 1 tấm ảnh hay nó lại hoàn toàn vô tư, thì…ôi thôi, bạn đành tự tìm cách mà giải quyết vậy nhé!
6. Chính tả, đánh vần và chấm câu chuẩn xác không được áp dụng ở đây
“Âu dề, pé bik rùi mừ!” Sai. Cập nhật trạng thái không phải 1 tuyên bố trong luận văn. Nhưng sống trong thời đại của nhắn tin, của bình luận và gắn thẻ tìm kiếm (hashtag) đã dẫn dắt con người ta vào con đường hư hỏng là đặt nhiều giá trị hơn vào những câu ngắn ngủn hơn là với giao tiếp thực sự. Trẻ em càng đặc biệt dễ chịu tác động xấu của thứ ngôn ngữ truyền thông xã hội kiểu tốc ký thế này. Nên nếu các bà mẹ biết quan tâm con cái đang đọc những dòng này, thì xin hãy khích lệ con bạn cầm lấy 1 cuốn sách ngay bây giờ và cả về sau nữa.
1 số người lớn cũng cần lưu tâm đến lời khuyên này!
7. BI KỊCH. Khắp mọi nơi!
Lại quay trở lại chuyện bạn chọn cách khắc họa bản thân mình trên các trang mạng xã hội cởi mở đến mức nào. Nhưng nếu chính bản thân bạn không góp phần gì vào tấn bi kịch Facebook, thì chí ít bạn cũng là kẻ chứng kiến. Các cập nhật tình trạng mối quan hệ, danh sách sự kiện, thậm chí các trang cộng đồng đều là thứ cỏ khô tiếp tế cho tấn kịch sến súa đang diễn ra trên mạng xã hội.
Lời khuyên là hãy hạn chế sự liên can của bạn. Các bình luận có thể xóa bỏ. Nhưng cảm giác tổn thương và bất tín nảy sinh từ bình luận đó thì không thể xóa đi dễ dàng được. Nếu cập nhật tin tức của bạn toàn mang lại cảm giác cực kỳ khinh khỉnh kiêu ngạo, cạnh khóe mỉa mai hoặc hung hãn tiêu cực, chắc bạn sẽ muốn đánh giá lại danh sách bạn bè của mình đấy!
8. Chính xác “bạn bè” nghĩa là thế nào?
Không phải là đào sâu vào 1 cuộc đối thoại tâm lý học về gắn bó giữa người với người, nhưng Facebook khiến người ta băn khoăn xem đâu là thước đo cho tình bạn trong thế giới ảo. Có bao nhiêu lần 1 bạn cùng lớp cũ, bạn trai trước đây hay đồng nghiệp cũ đi ngang qua bạn trên đường, nhìn thẳng vào mắt bạn mà chẳng thèm gật đầu chào hỏi? Thế nhưng, có bao nhiêu lần chính những người đó bấm “Thích” các cập nhật trạng thái của bạn trên Facebook?
Liệu có phải bạn bè Facebook chỉ tồn tại trên màn hình máy tính? Và hình ảnh đại diện có phải chỉ là thứ mô phỏng đời sống thực của ta trên các tài khoản mạng xã hội? Đó là 1 học thuyết thú vị đáng cân nhắc khi “bạn bè” đi ngang qua ta trên phố mà chẳng chào hỏi chi, trong khi lại rất nhanh nhẹn đăng bình luận các dòng cập nhật của ta.
9. Nút “Cù lét” (Poke)
Ai đó làm ơn giải thích giùm tầm quan trọng của nút “Cù lét” với? Khá nhất thì đấy là 1 cách hơi lạ để cho ai đó biết là bạn đang nghĩ đến họ. Và dở nhất, thì đó là 1 cách hơi hư hỏng để ai đó biết là bạn đang thaaaaat lòng nghĩ đến họ. Trên Facebook nút Cù lét giống 1 cuộc điện thoại mà chỉ thấy tiếng thở hổn hển. Ta chẳng được lợi lộc gì từ nó và ta cứ phải thắc mắc không hiểu vì sao nó vẫn tồn tại.
- Facebook đã giúp người ta liên lạc lại với đồng nghiệp và bạn cùng lớp cũ, và thậm chí còn giới thiệu bạn với các khách hàng và mối mới cho sự nghiệp làm ăn của bạn. Nhưng cứ mỗi 1 mối liên lạc được thiết lập, thì dường như phần nào đó của mối liên lạc ấy lại tan vỡ. giữa những bi kịch cá nhân được công khai trước thiên hạ, những bất đồng ngoan cố dường như không thể giảng hòa, và câu hỏi xem tình bạn thực sự có ý nghĩa gì trong thế giới ảo, Facebook đã biến từ “mạng xã hội” thành 1 thuật ngữ sai lầm trớ trêu. Bạn đã được lợi ra sao từ Facebook, và Facebook đã làm hỏng đời bạn theo cách nào?
Bài viết liên quan