[Review sách] “Sững sờ và run rẩy”, cuốn nhật ký khởi nghiệp nên đọc

Bước vào một quán cà phê sáng choang, tôi nhanh chân tiến lại gần giá sách như sợ chỉ chậm một nhịp sẽ không còn góc view phù hợp để được thỏa mãn mục đích đến đây: ĐỌC SÁCH. Trên giá sách có nhiều thể loại: băng đĩa thời cổ, giỏ hoa, sách thì có vài cuốn thôi, không phong phú lắm. Lịch sử đảng, 99 bài văn mẫu, cách nấu đồ ăn Trung Hoa, từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh,.. duy nhất cuốn sách ấy “đập” vào tầm ngắm buộc tôi phải dừng lại: “Sững sờ và Run rẩy”.

Không biết cảm giác của các bạn đã từng đọc cuốn này thế nào, riêng tôi từ phút đầu đã bị “đánh lừa” bởi một bìa sách vừa gợi lên chất ngôn tình chen lẫn nhiều tình tiết mang màu sắc tính dục, lại phân vân giữa dòng truyện kỳ ảo ma quái. Nhưng thực tế thì không phải đâu.

Cuốn sách viết rất hài hước về đời công sở tại một tập đoàn Nhật Bản của một cô gái châu Âu sinh ra và lớn lên ở Nhật, hòa trộn văn hóa Nhật và phương Tây. Nhân vật kể chuyện chọn ngôi thứ nhất xưng “tôi”, dưới góc nhìn người ngoại quốc khi làm việc trong một công ty Nhật, khiến cho giọng kể chuyện chân thật và cuốn hút như một cuốn tự truyện. Bạn sẽ không tiếc công nếu bỏ nửa buổi chiều ngày nghỉ lễ vừa đọc, vừa nghiền ngẫm cuốn sách tôi vừa giới thiệu ở trên.

Sững sờ và run rẩy, cuốn nhật ký đi làm của người vừa khởi nghiệp.
“Sững sờ và run rẩy”, cuốn nhật ký đi làm của người vừa khởi nghiệp.

Thông tin sách

  • Thể loại: Tiểu thuyết
  • Tác giả:Amélie Nothomb
  • Năm xuất bản: 11/2008
  • Nơi xuất bản: NXB Văn học
  • Giá bán: 32.000 VNĐ

Với điểm xuất phát chân thực giọng kể ngôi thứ nhất, Sững sờ và run rẩy như một lát cắt thú vị trong nhật ký đi làm mà bất kể người trưởng thành nào cũng sẽ trải qua. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhân vật kể chuyện, đây trở thành một câu chuyện phiêu lưu hài hước, mở ra với nhiều tình huống dở khóc, dở cười xuyên suốt cuốn sách thông qua việc làm sáng tỏ mối mâu thuẫn văn hóa Đông – Tây.

Nguyên tắc cứng nhắc, tính kỷ luật cao của người Nhật

Mối mâu thuẫn văn hóa được khơi gợi từ tích đầu cuốn sách khi tác giả cố tình nhấn nhá bộ máy, vay trò cứng nhắc của một công ty Nhật. Nhà văn đóng khung những sự kiện của tác phẩm trong các mối quan hệ ở văn phòng công ty Yumimoto với trật tự nghiêm ngặt: “Ông Haneda là cấp trên của ông Ômôchi. Ông Ômôchi là cấp trên của ông Saito. Ông Saito là cấp trên của cô Mori. Cô Mori là cấp trên của tôi. Còn tôi không là cấp trên của ai hết”.

Ban đầu, Amélie được tuyển vào công ty với vai trò “phiên dịch”. Nhưng cô lại không ngờ rằng mình lần lượt được tiếp cận với việc bê nước, pha trà, bóc lịch theo ngày, đứng bên máy photocopy suốt 7 giờ đồng hồ để photo một thứ ngớ ngẩn, hay nơi được “bổ nhiệm” mới chính là toàn bộ nhà vệ sinh nam và nữ với chức vụ “bà Nước Tiểu”,.. Môi trường làm việc ngột ngạt, cứng nhắc, từ cấp trên xuống đến đồng nghiệp giống như thuê cô về đây là diễn hài và hành hạ. Tuy nhiên, cô vẫn chịu đựng với một thái độ hài lòng, nhẫn nhịn đến kinh ngạc. Lý do giải thích duy nhất cho hành động này là bởi cô được sinh ra tại đất nước Mặt Trời Mọc và có một tuổi thơ êm đẹp ở nơi đó. Sau này dù đi bất kì đâu, trái tim cô vẫn luôn hướng về nơi mình sinh ra – làng Shukugawa, gần núi Kabuto, khiến cô muốn tìm cơ hội trở lại tuổi thơ và cội nguồn. 

Sự khôi hài của hoàn cảnh và lối kể chuyện bình dị, chân thực, tao nhã đã tạo nên sự quyến rũ thú vị cho Sững sờ và run rẩy, lôi kéo độc giả trong một khám phá mới mẻ: hiện đại hóa mâu thuẫn lâu đời giữa phương Đông và phương Tây. “Dưới con mắt của người phương Tây, việc đó chẳng có gì là nhục nhã, song với người Nhật thì đó là mất thể diện”. Nó khiến người ta đón nhận những điều vô lý nhất đang dồn ép Amélie theo chiều hướng tích cực: lo lắng nhưng không sợ hãi, thất vọng nhưng không sụp đổ.

Không mô tả nhiều song thế giới nhân vật trong Sững sờ và run rẩy hiện lên từ nét tính cách cá nhân tới hình ảnh chung về những người trong hệ thống công sở ở Nhật đều đậm nét, chân thực. Ở họ có một điểm chung duy nhất, giống như sự hợp nhất của các nguyên tắc cứng nhắc

Hiện đại hóa mâu thuẫn lâu đời giữa phương Đông và phương Tây.
Tiểu thuyết là sự hiện đại hóa mâu thuẫn lâu đời giữa phương Đông và phương Tây (Nguồn ảnh: Internet).

Cái tự do ấy trong con người tồn tại ở một công ty Nhật, một đất nước nổi tiếng về tính kỉ luật và đề cao lòng tận trung sẽ khó chấp nhận được, mà nhẫn nhục quá thì lại giống như ngược đãi bản thân. Dù nghĩ theo cách nào cũng khó, bởi vốn dĩ môi trường làm việc nào, nền văn hóa nào cũng đầy rẫy những thử thách, áp lực và ức chế bên cạnh những người sếp, người đồng nghiệp có tâm, có tầm và một chế độ đãi ngộ phù hợp.

Tính cách nhẫn nhục và phóng khoáng của người Tây Âu

“Bạn có thích thử thách không?”.

Với một nhân viên mới làm quen việc, dù muốn hay không cũng không thể buột miệng từ chối. Từ việc viết thư với nhiều giọng điệu khác nhau cho đến việc photo tài liệu không được cài đặt chế độ tự động, hầu hết chúng ta đều nghĩ đó là sự hành hạ. Một người Bỉ giàu tính nhẫn nại lại tự tìm thấy niềm vui trong việc bị bắt lỗi và lặp đi lặp lại một công việc khiến cô cảm thấy mình thật sự thuần thục một kỹ năng nào đó.

Càng cố theo dõi câu chuyện, tôi càng vực dậy trong bản thân niềm tin vào việc người Nhật đang thử thách nhân viên mới. Họ muốn “test” khả năng chịu áp lực của cô trong một môi trường áp lực cao như công ty Nhật nhưng không, đó là một chuỗi dài sự khác biệt hay thách thức. Sau khi thanh lý hợp đồng tại công ty này, cô gái đã kết thúc chuyến du hành nho nhỏ của mình bằng cách trở về nơi mà cô sinh ra. Dù cho lúc cô ra đi, cô đã gặp gỡ qua vài người sếp, nói một cách lịch sự về việc không kí hợp đồng tiếp nữa thì họ cũng chẳng buồn giữ cô lại, cô không hợp.

Ai cũng đã từng đi làm, trải qua nhiều thách thức trong nhiều môi trường làm việc khác nhau trước khi muốn yên ổn ở một công việc cụ thể. Không sếp thì đồng nghiệp, không phải yếu tố con người thì là áp lực doanh số, cộng thêm cái trách nhiệm nặng nề đeo bám lẩn quẩn cho tới khi về tới nhà rồi còn nhiều lý do phát sinh như đi làm thêm cuối tuần, khách hàng thắc mắc nọ kia,.. Sững sờ và run rẩy, hoảng hốt và lo lắng, những thứ cảm xúc ấy nếu không có ở người vừa đi làm thì xem như bạn đã may mắn ngay từ đầu chọn được một công việc ưng ý, phù hợp. Nên nhớ rằng không có công ty tốt hay dở, chỉ có văn hóa của nó, người làm chung với bạn ở đó có phù hợp với bạn hay không là động lực để bạn chọn gắn bó hay rời đi.

Văn phong hài hước, sâu cay

Nếu bạn là dân đam mỹ, văn phong kiểu Mỹ sẽ không phù hợp với hướng tiếp nhận của bạn. Với kết cấu ngắn gọn, từ ngữ bình dị, văn phong dí dỏm, không bóng bẩy, tình tiết không đặc biệt, nhưng cũng khiến người đọc không thể ngừng lại. Sững sờ và run rẩy trở thành một câu chuyện đáng để đọc và chiêm nghiệm về sự khác biệt trong lối suy nghĩ, văn hóa đã dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười mang đậm dấu ấn của chính nhà văn.

Thói tật hành hạ đồng nghiệp mới, những mệnh lệnh khó hiểu, những toan tính, trù dập, hay cả sự ghen tị, hiềm khích chốn văn phòng đều được nhà văn miêu tả tinh tế. Bằng giọng văn hài hước và hóm hỉnh, nhà văn tạo ra những tình huống va chạm giữa hai nền văn hóa: Nhật Bản và Bỉ, hay chính là sự va chạm của truyền thống văn hóa phương Đông và phương Tây. Amélie Nothomb dùng những ẩn dụ hài hước về sự khác biệt giữa hai nửa thế giới: “Bộ não Nhật Bản có thể có khả năng cố quên đi một ngôn ngữ. Bộ não phương Tây thì không có cách gì làm được điều đó”.

Cũng phải thừa nhận rằng, trong cách nhìn nhận về văn hóa Nhật hay một số đặc điểm nổi bật của tư duy phương Đông, Amélie Nothomb đã tạo nên sự gần gũi và chân thực bằng nỗ lực chân thành trong việc tiếp nhận và thích nghi với những khác biệt về văn hóa. Tư tưởng này khiến cho tác phẩm duy trì được mạch hài hước, tinh tế và nhẹ nhàng. Hình như vấn đề lớn lao về sự giao thoa và hòa hợp văn hóa bắt đầu từ những sự vị tha và khoan dung văn hóa này.

Địa chỉ mua sách tốt nhất

Đây là cuốn sách cũ nên nếu bạn tìm kiếm trên Shopee, Lazada sẽ không thấy bán sách. Bạn có thể tham khảo tại Tiki và Fahasa dưới đây:

Ưu tiên mua hàng trên Tiki, tham khảo link sách giảm giá tại đây.

Có thể đặt mua trên Fahasa, tham khảo link mua sách giảm giá tại đây

173 views