“Để đó mẹ làm”, “Để bố làm”, “Để bà giúp…” là điệp khúc gây ngạc nhiên cho nhiều người nước ngoài chứng kiến cảnh chăm sóc con của phụ huynh Việt hiện nay. Nhìn cảnh một đứa trẻ ăn phải có người đẩy xe, người pha trò, người canh đút từng muỗng thức ăn vào miệng, một tiến sĩ giáo dục người Mỹ từng thảng thốt rằng: “Trời ơi! Sao Việt Nam nuôi con khổ quá vậy!”.
Và sau đó cũng là hệ quả gây đau đầu cho các bậc cha mẹ. Nào là: “Tại sao con tôi không chịu xin lỗi?”, “Nó hư lắm, chẳng biết lo lắng gì cho ai!”, “Đùn đẩy trách nhiệm, đổ thừa oan cho người khác”, “Hai chục tuổi đầu đến quét cái nhà cũng không sạch”…
Cha mẹ có biết nguyên nhân của những phiền muộn đó là gì không? Có phải do nuôi con theo kiểu “cơm dâng tận răng, nước rót tận miệng” không? Có phải con vấp ngã là đánh chửi cái bàn cái ghế không? Có phải không cần biết ai sai, hễ thấy con khóc là bênh con và bắt người khác xin lỗi không?
Hoặc có phải “con chả làm gì nên hồn” hay “con nít biết gì mà làm” rồi dẫn đến chuyện “con chỉ việc ngồi đó, thế giới đã có ông bà bố mẹ lo”. Cứ thế, những đứa trẻ được cung phụng như thể tay chân chúng sinh ra chỉ để trang trí. Đến khi chúng trưởng thành làm gì cũng đổ vỡ, làm gì cũng sai trái, làm gì cũng không như ý người lớn, thậm chí thấy việc nhưng không biết làm gì, phải chờ cầm tay nhưng vẫn vụng về như một đứa trẻ thì cha mẹ lại quay sang than thân, trách phận mình vô phúc, con cái bây giờ khó dạy dỗ.
Một đứa trẻ biết sống tự lập sẽ có trách nhiệm với từng việc phải làm, có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân. Làm thế nào để hình thành cho con thói quen tự lập ngay từ khi còn nhỏ để làm bước đệm vững chắc cho con trong tuổi trưởng thành.
Dạy trẻ biết làm việc nhà
Dưới đây là những chia sẻ để dạy trẻ sống tự lập:
1. Để trẻ tự lập trong các công việc cá nhân hằng ngày
Mỗi người trong gia đình đều có công việc riêng nhưng trách nhiệm chung vẫn là vun đắp cho tổ ấm. Nếu giao việc vừa sức cho bé cùng những câu khen ngợi, trẻ sẽ vô cùng hãnh diện vì là một thành viên, một người lao động chân chính. Ví dụ: Khi bố đi làm về thì bé có thể giúp bố cất áo, cất nón và các hành động này nên được khuyến khích lặp lại thường xuyên.
Bố mẹ có thể viết ra các công việc bé có thể tự làm trong mỗi tuần. Sau đó bố mẹ dạy cho bé cách để hoàn thành nhiệm vụ đó. Việc hoàn thành các việc này sẽ giúp bé phát triển sự tự tin. Ví dụ bé mới biết đi có thể học cách dọn đồ chơi, đặt quần áo bẩn vào giỏ, bé lớn hơn có thể dọn dẹp bàn ăn và dọn giường ngủ.
Dù kết quả làm việc của bé không hoàn hảo thì bố mẹ cũng nên khen ngợi vì bé đã cố gắng. Điều này giúp bé vui vẻ và hạnh phúc hơn khi tự làm mọi việc.
Điều quan trọng nhất trong việc tự lập là có thể tự quyết định mọi chuyện. Vì vậy bố mẹ hãy cho bé các lựa chọn để bé chọn. Ví dụ khi cho bé ăn hãy hỏi bé thích mì ống hay cháo, khi mặc quần áo thì bé thích váy hay quần. Điều này dạy bé cách tự chọn mọi thứ trong sự giám sát của bố mẹ.
Bố mẹ không bao giờ giúp bé những việc bé có thể tự làm một mình. Hãy cho bé cơ hội để chứng minh khả năng của mình.
Dạy bé tự lập
Để con tự mặc quần áo: Trẻ 3 tuổi có thể tự mặc quần áo cơ bản như quần hay giày dép. Bạn có thể giúp con bằng cách đặt quần áo ra ngoài để con dễ dàng lựa chọn đồ mà con thích. Tuy nhiên, đừng để con chọn những kiểu quần áo có nhiều dây hay nút áo. Bạn hãy sẵn sàng giúp con nhưng phải có sự kiên nhẫn. Bằng cách tự mặc quần áo, con có thể học được những kỹ năng cần thiết và tính tự lập.
Tập cho con tự ăn: Hầu hết trẻ 3 tuổi có thể ăn bằng thìa, nĩa và cũng tự uống nước. Nếu con kén ăn, bạn hãy gợi ý cho con biết nên để gì vào bát. Bạn có thể làm cho bữa ăn thêm vui nhộn với những món ăn mà bé có thể dùng tay lấy, ví dụ như bánh mì.
Câu chuyện về cặp vợ chồng là hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã để con gái chưa đầy tuổi rưỡi của mình tự ngồi ăn trưa với mọi người. Mọi người ngạc nhiên hỏi: “Sao chị không giúp nó?” Họ bảo: “Để nó tập ăn một mình”, vì họ đã gọi thức ăn đủ mềm và an toàn với con. Và vì được tập sớm nên đứa trẻ vô cùng hứng thú, dùng tay lấy thức ăn và ăn no sau bữa ăn.
Tự đánh răng: Các thói quen tốt thường được hình thành rất sớm trong cuộc đời. Việc chăm sóc răng miệng tốt giúp bé có hàm răng khỏe mạnh. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyên các bậc phụ huynh nên đánh răng cho bé khi bé nhỏ hơn 3 tuổi. Từ 3 đến 6 tuổi bố mẹ có thể cho bé tự đánh răng dưới sự giám sát của mình. Bé có thể tự đánh răng một mình khi 8 tuổi.
Tự giặt quần áo: Trẻ nhỏ không thể tự bật máy giặt mà không có sự giám sát của bố mẹ, tuy nhiên, bé có thể giúp bố mẹ trong việc giặt giũ. Mẹ có thể cho bé gấp khăn mặt, quần áo của bé và biết đặt quần áo bẩn đúng chỗ. Đó là sự khởi đầu tốt cho đến khi bé đủ lớn để tự giặt quần áo của chính mình và gia đình.
Dạy trẻ tự đi vệ sinh: Nhiều trẻ 3 tuổi đã biết đi vệ sinh đúng nơi, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt, bỏ rác đúng nơi quy định, nhặt rác xung quanh,…
Làm việc nhà: Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ đã có thể làm rất nhiều việc vặt ngay từ khi còn nhỏ như dọn dẹp sau bữa ăn, cho quần áo vào máy giặt… Đến năm 13 tuổi, trẻ cần biết là quần áo, rửa bát, thay ga trải giường, dọn phòng tắm và nhà bếp… Cha mẹ cần yêu cầu rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ cho trẻ và khuyến khích trẻ làm việc nhà.
Tập cho trẻ tham gia cùng nấu ăn:
Nấu ăn là một kĩ năng quan trọng giúp bé có thể sống một mình sau này. Bố mẹ có thể cho bé tham gia công việc nấu nướng từ nhỏ để giúp bé biết lựa chọn các thực phẩm lành mạnh cũng như học hỏi được các kĩ năng cần thiết.
Đối với bé 2 tuổi bố mẹ có thể cho bé đứng quan sát mình nấu nướng và dạy bé cách phân biệt các loại rau củ quả khác nhau. Các bé đã đi mẫu giáo có thể giúp bé đo các thành phần, khuấy bột.
Bé từ 6 đến 8 tuổi có thể sử dụng đồ gia dụng và dụng cụ nấu ăn như lò vi sóng, lò nướng bánh mỳ. Bố mẹ chỉ cần dạy bé cách dùng chúng an toàn. Trẻ vị thành niên có thể bắt đầu học các kĩ năng nấu nước cơ bản dưới sự giám sát của bố mẹ. Thanh thiếu niên có thể tự nấu ăn cho gia đình.
Ở tuổi 13, trẻ có thể lên kế hoạch cho bữa ăn cho gia đình, làm theo một công thức đơn giản, sử dụng các dụng cụ trong phòng bếp. Ngoài ra, cha mẹ đừng quên dạy con những điều cơ bản về vệ sinh và an toàn.
Hướng dẫn bé giúp đỡ
Cho con đi chợ cùng mình:
Bạn đã giúp con phát triển các kỹ năng cần thiết lên kế hoạch cho bữa ăn, viết danh sách hàng hóa cần mua và cân nhắc chi tiêu với ngân sách mình có. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp trẻ học cách đọc thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm và mua được loại hàng tốt.
Tuy nhiên, khi cho con đi chợ cùng, trẻ rất dễ đưa ra những đòi hỏi, vòi vĩnh. Lúc này, cha mẹ cần đặt ra những giới hạn cho trẻ, biết cách từ chối yêu cầu không thích hợp của con.
Nếu cha mẹ dạy bé biết tự thay quần áo, tự đánh răng, tự đi, tự ăn uống,… thì sẽ vô cùng bất ngờ về tính tự giác của trẻ sau một thời gian ngắn, trẻ sinh hoạt giống như một người lớn, khiến cha mẹ không cần quá bận rộn để chăm sóc trẻ mà chính trẻ cũng rất vui vẻ khi được khen ngợi và tự làm việc của mình.
2. Để con tập kết bạn và cho trẻ tham gia các hoạt động
Khi 3 tuổi, con sẵn sàng kết bạn với mọi người xung quanh. Hãy sắp xếp những buổi đi chơi ngoài trời và tạo điều kiện để con có những nhóm bạn nhỏ. Bằng việc vui chơi với bạn bè, con sẽ có cơ hội tạo ra những mối quan hệ khác.
Lao động mang đến cho con người cảm giác được giải phóng năng lượng, gặt hái niềm vui khi được đền đáp xứng đáng. Việc tạo môi trường cho con làm việc và khen ngợi sẽ đem đến những biểu hiện tích cực cho bé. Bé sẽ vui mừng hơn khi được cha mẹ khen ngoan, khen giỏi. Điều này rất có ý nghĩa,nó sẽ khuyến khích những hành động tốt của bé trở thành thói quen, từ đó sẽ hình thành tính cách của trẻ.
Trẻ em có kỹ năng sống tự lập sẽ đạt được vô vàn lợi ích. Trẻ tự tin vào khả năng của bản thân, vui vẻ và hãnh diện vì bản thân làm được những điều như người lớn. Cha mẹ không cần quá nhiều thời gian chăm sóc và nâng niu trẻ. Ngoài những điều đó, trẻ sẽ có khả năng thích nghi tuyệt vời với mọi hoàn cảnh.
Các lớp học dành cho trẻ sẽ giúp con học và phát triển nhiều kỹ năng. 3 tuổi là thời gian hoàn hảo để con hòa nhập với một nhóm bạn. Tham gia các lớp thể thao, con sẽ được học những khái niệm cơ bản như bóng rổ, bóng đá… đồng thời con cũng biết cách làm việc theo nhóm.
Ngoài ra, việc tham gia các lớp học bơi lội để phát triển sự linh hoạt, cân bằng thậm chí có thể vượt qua sự sợ hãi, rụt rè. Đối với những trẻ thể hiện sự sáng tạo, các lớp nghệ thuật và âm nhạc là những cách tuyệt vời để thực hành những kỹ năng mới. Dù con yêu thích hoạt động nào, con cũng phát triển được những kỹ năng quan trọng khi vui chơi cùng bạn bè.
3. Phát triển ngôn ngữ
Khi con 3 tuổi, trẻ có thể nói chuyện nhiều. Lúc này, vốn từ vựng của con khoảng 300 chữ và con có thể dùng những từ đơn giản hay đặt câu với 3 – 4 từ. Thậm chí khi bạn thấy con đang ngồi im lặng nhưng con vẫn đang suy nghĩ và hiểu nhiều hơn bạn tưởng tượng đấy.
Bạn cũng có thể giúp bé bằng cách nói chuyện với con. Ví dụ: “Con đang cảm thấy như thế nào?”, “Thời tiết hôm nay ra sao?”… Bằng cách này, con có thể học được nhiều từ vựng và ngữ pháp mới.
4. Dạy con tự lập là biết cách kiềm chế cơn giận
3 tuổi, trẻ bắt đầu biết bùng phát cơn giận. Lúc này, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh và đừng la hét vào mặt con. Bạn có thể bỏ qua cơn giận dữ, tiếp tục với công việc của bạn. Ngoài ra, bạn có thể làm cho con cười bằng cách kể một câu chuyện vui hay ôm con vào lòng và nói là “Mẹ yêu con”.
5. Làm theo hướng dẫn đơn giản hay đưa ra sự lựa chọn
Bạn muốn con là một người biết lắng nghe và học cách đáp lại những hướng dẫn của mình? Khi yêu cầu con làm một việc gì đó, hãy nói với con một cách thẳng thắn và chắc chắn. Khi bạn nhờ, con có thể từ chối.
Thay vì nói với con: “Nhặt cho mẹ miếng gỗ đó”, bạn nên nói: “Con có thể giúp mẹ lấy miếng gỗ đó không?”. Sau khi con giúp bạn, đừng quên dành một lời khen ngợi cho con nhé.
Đôi khi trẻ cũng tự làm theo ý mình. Khi con mặc quần áo, bạn có thể yêu cầu con mặc áo khoác hồng hay áo sơ mi màu trắng có tay dài. Việc đưa ra 2 sự lựa chọn có thể giúp bạn và con đều vui vẻ.
6. Dạy trẻ biết chia sẻ, giúp đỡ
“Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Khi cha mẹ nấu ăn, có thể cho con nhặt rau, cha mẹ nấu cơm, hãy để con xới ra bát, cha mẹ dọn nhà, hãy nhờ và hướng dẫn con lau bàn…
Tôi thấy 10 nhà thì có đến 8 nhà, người lớn “lao động toàn tập”. Trẻ dù có ý muốn đụng tay vào cái gì cũng bị ngăn lại.
Ngoài ra, vì con không lao động kiếm ra tiền, cha mẹ hãy dạy con giúp đỡ, chia sẻ với người lớn bằng việc tiết kiệm tiền điện, tiền nước, tiền mua đồ chơi, giữ gìn đồ dùng học tập, áo quần, giầy dép…
Những việc nhỏ xíu vậy nhưng tích tiểu thành đại. Khi con trưởng thành, con sẽ khác hẳn những đứa trẻ được bao bọc đến độ chẳng làm gì đụng tới cái móng tay.
Biết giúp đỡ cha mẹ
7. Tập cho trẻ biết quản lý tiền:
Ngay khi bé đủ lớn để có khoản tiền tiêu vặt riêng thì bé cũng đã bắt đầu đủ khả năng để tự quản lý tiền bạc của mình. Đó là thời điểm tốt để dạy bé biết cách tiêu tiền đúng cách và không hoang phí. Bé từ 6 đến 10 tuổi có thể so sánh các sản phẩm khác nhau ở cửa hàng để tự mua cho mình món đồ phù hợp. Thanh thiếu niên có thể học cách kiếm tiền tự lập bằng các việc làm thêm vào mùa hè.
Bên cạnh đó cha mẹ cần phải:
Kiên nhẫn khi dạy con. Nhiều cha mẹ Việt cũng muốn để con tự lập, nhưng thường không đủ kiên trì để theo đuổi trong quá trình rèn luyện cho con và cuối cùng bỏ cuộc. Có cha mẹ an ủi rằng “việc này khó quá, trẻ con sao làm được” rồi sau đó lại làm hộ con. Nếu cha mẹ muốn con mình trở thành một người độc lập, có khả năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống và giải quyết được những vấn đề gặp phải thì cha mẹ không nên làm thay, nghĩ thay hoặc quyết định thay cho trẻ, hãy tin rằng trẻ có thể làm được mọi việc và ủng hộ, động viên trẻ để trẻ cố gắng.
Dạy bé biết tự lập Đầu tư thời gian và thái độ cho con là một trong những cách tạo cho con một tương lai tốt mà cha mẹ có thể làm được. Lắng nghe lời nói và hành động của con cũng là phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi biết cách xử lý và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Thay vì xỏ giúp con, hãy lặng lẽ quan sát cách bé đang cố gắng mang giày vào chân và hướng dẫn cho bé khi cần.
Tự lập là một trong các yếu tố giúp con cái thành công sau này. Vì vậy bố mẹ cần dạy bé tự lập ngay từ nhỏ thông qua các công việc bé có thể tự làm tại nhà.
Trên đây là một số cách bố mẹ có thể dạy con tự lập khi còn nhỏ. Trẻ học được tính tự lập sẽ sống có trách nhiệm hơn.
Ngoài tính tự lập, bố mẹ cần dạy con thêm nhiều kỹ năng để trẻ có thể tự tin hơn khi lớn lên.
168 views
Bài viết liên quan