- Bạn vừa ra trường và đang tìm một công việc mới?
- Bạn vừa từ bỏ công việc tẻ nhạt và đang làm quen với môi trường công sở ?
- Bạn muốn gắn bó lâu dài với công việc công sở khó khăn lắm mới tìm được?
Bạn có thể gặp phải những áp lực rất lớn khi bắt đầu một công việc mới vì phải làm việc trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, mới mẻ… bạn phải làm việc và tiếp xúc với những đồng nghiệp mà trước đó bạn chưa từng quen biết. Bỏ túi ngay những bí kíp sau đây, nó sẽ giúp bạn hòa nhập và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
1. Nỗ lực làm quen với mọi người, Nhanh chóng nhớ tên tất cả các ” tiền bối”
Dù bạn là một người nhút nhát và hướng nội, nhưng trong vài tuần đầu làm việc ở môi trường mới, hãy nỗ lực làm quan với các đồng nghiệp. Họ chính là những người sẽ bày vẽ cho bạn những văn hóa ở đây, là người sẽ chỉ giúp bạn chỗ ăn trưa, nói cho bạn biết Sếp là người như thế nào hay ai là người giải quyết vấn đề tiền lương cho bạn.
Cách tốt nhất để tạo ấn tượng tốt với mọi người là ngay từ đầu nhanh chóng nhớ tên của họ. Nếu chỉ mất một đến hai ngày để bạn có thể nhớ chính xác tên từng người trong văn phòng, mọi người sẽ chú ý tới sự nhạy cảm của bạn. Đối phương sẽ thực sự có cảm tình khi người mới gặp 1, 2 lần đã nhớ được tên của mình, mở đầu câu chuyện của bạn với người đó cũng thuận lợi hơn và chắc chắn những đồng nghiệp mới sẽ không tiếc gì khi bạn mở lời muốn giúp đỡ việc gì đó.
2. Thái độ niềm nở, vui cười, đặt câu hỏi thông minh
- Mỗi ngày đến công ty, hãy luôn vui vẻ kể cả khi bạn đang làm việc trong một lĩnh vực nào đó cực kỳ khô khan, nếu bạn đến mang theo bộ mặt lạnh lùng ủ rũ và thái độ tiêu cực, mọi người sẽ nhanh chóng thất vọng về bạn. Mặt khác, tâm trạng của bạn có thể lan truyền, tạo ra một môi trường làm việc thiếu năng lượng, thiếu sức sống và tiếng cười. Hãy thay đổi bằng cách chào hỏi mọi người với nụ cười trên môi. Bày tỏ sự lạc quan, nhiệt tình và vui vẻ không chỉ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt mà còn củng cố năng lượng cho ngày làm việc của bạn.
- Đặt nhiều câu hỏi ở công việc mới là điều hiển nhiên và đáng khích lệ. Tuy nhiên, bạn phải biết cách đặt câu hỏi một cách khôn ngoan. Bạn không nên đặt câu hỏi liên tục, hỏi cả những câu bạn đã biết đáp án bởi điều đó thể hiện bạn là một người thiếu kinh nghiệm và khiến mọi người hoài nghi về năng lực làm việc của bạn. Thay vào đó hãy hỏi mọi người một cách khéo léo, tế nhị hơn. Đặc biệt, bạn cũng phải chọn người phù hợp để hỏi, bạn nên hỏi những đồng nghiệp nào nhiệt tình, thân thiện và sẵn sàng có thời gian để giải đáp những thắc mắc của bạn.
- Một số nhà quản lý có khả năng đào tạo nhân viên giỏi hơn những người khác. Bạn là một nhân viên mới, nếu bạn không rõ về một vấn đề gì đó, đừng ngại đặt câu hỏi và đề nghị cấp trên giúp đỡ. Hoàn toàn không có vấn đề gì khi bạn đặt những câu hỏi như : ” Tôi có thể đọc tài liệu nào trước để hiểu rõ hơn vấn đề? ” hay ” Liệu có những ví dụ về cách giải quyết tình huống này trước đây để tôi có thể học tập theo không? “
3. Chú ý lắng nghe, hạn chế ” nhiều chuyện”
Trong môi trường làm việc mới, bạn hãy tỏ ra thân thiện với tất cả mọi người, nhưng đừng để bản thân bị lôi kéo vào một nhóm nào đó.
Ở giai đoạn này, bạn chưa biết đủ nhiều để đứng về nhóm này hay nhóm khác, việc bạn tham gia vào một nhóm nào đó đồng nghĩa với việc bạn kết thân với những người hay phàn nàn hoặc lười nhác mà chính bạn vẫn chưa thể nhận ra. Vì vậy hãy giữ thái độ thân thiện và trung lập trước bất kỳ sự chia rẽ hay mâu thuẫn nào ở nơi làm việc mới.
Đừng vội vàng buôn chuyện, đừng kể về hai ngày cuối tuần của bạn hay góp chuyện khi đồng nghiệp đang kêu ca về cuộc sống cá nhân.
Điều bạn cần là chú ý lắng nghe và quan sát để có cho mình một nhận định rõ ràng từng người từng sự việc ở môi trường này, từ đó tìm ra cách tương tác ăn ý nhất với mọi người. Hãy nhớ, bạn càng cư xử chuyên nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu, ấn tượng của cấp trên về bạn càng tốt.
4. Dành thời gian để bản thân thích nghi với môi trường mới.
Đừng vội lo lắng khi bạn bị ngợp thông tin:
Bạn sẽ phải tiếp nhận một lượng lớn những thông tin mới trong một vài tuần làm việc đầu tiên ở công ty mới, từ việc ai là người chịu trách nhiệm về lương thưởng đến cách thức xử lý cụ thể các nhiệm vụ được giao. Ban đầu bạn sẽ không thể ghi nhớ hết được tất cả những thông tin này và việc đó hoàn toàn bình thường. Hãy nhớ rằng khi mới bắt đầu một công việc, việc bạn bị ngợp thông tin không phải là vấn đề đáng ngại và đây cũng không phải là một dấu hiệu cho thấy bạn sẽ thất bại ở công việc mới này.
Hãy để bản thân có thời gian thích nghi:
Ở hầu hết các công việc, bạn phải mất từ 3 đến 6 tháng để bạn thuần thục công việc. Quãng thời gian này thậm chí còn dài hơn ở những công việc có độ phức tạp cao hơn. Đừng hoảng sợ khi thấy mình vẫn chưa thực sự thích nghi khi đã bước qua tuần làm việc thứ ba thứ tư. Hoặc có cảm giác như bạn sẽ không bao giờ hòa mình vào được văn hóa ở môi trường làm việc mới này. Cảm giác đó chắc chắn sẽ biến mất nhưng bạn cần phải có thời gian.
Hãy thoải mái và tiếp thu, trau dồi thêm kiến thức để nâng cao năng lực qua từng ngày.
5. Đề nghị được đồng nghiệp và cấp trên nhận xét
Sau một vài tuần làm việc đầu tiên, hãy đề nghị đồng nghiệp hoặc cấp trên nhận xét về cách làm việc và kết quả công việc mà bạn đạt được. Hãy hỏi xem sếp có muốn bạn điều chỉnh gì không và bạn cần bổ sung những kiến thức gì, tập trung thêm vào những mảng nào. Đương nhiên cấp trên sẽ là người chủ động đưa ra nhận xét về bạn nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn trực tiếp hỏi trước khi cấp trên nhận xét. Bạn sẽ sớm có được sự hướng dẫn và sẽ cảm thấy tự tin thoải mái hơn.
186 views
Ad ơi viết bài về cách sale đi ạ.