Chỉ còn 5 tháng nữa là kỳ thi đại học 2019 chạm ngõ. Các bạn sĩ tử, sau thời gian dài nghỉ ngơi chơi Tết, lượng kiến thức đã bị rơi rớt khá nhiều. Để không phải lo lắng quá nhiều về việc ôn thi, hôm nay tôi sẽ bày cho bạn 10 bí kíp ôn thi đại học hiệu quả đã được kiểm chứng bởi rất nhiều thủ khoa các trường Đại học lớn.
1. Có mục tiêu và kế hoạch cụ thể
Theo quy luật 80/20, cứ 20 phút bạn bỏ ra để lập kế hoạch thì bạn sẽ tiết kiệm được 80% thời gian hoàn thành và hiệu quả công việc.
Từ bây giờ bạn hãy lấy một tờ giấy và xác định lại mục tiêu ôn thi đại học của mình:
+ Bạn định thi đỗ trường nào?
+ Số điểm dự kiến là bao nhiêu?
Sau đó, bạn hãy lên list các công việc để có thể từng bước đạt được mục tiêu. Trong list công việc ấy, hãy xem xét đâu là việc quan trọng nhất và thực hiện chúng đầu tiên. Vì chúng ta không bao giờ có thể làm được tất cả mọi việc, thông thường 20% công việc của chúng ta quyết định 80% hiệu quả.
2. Tập thói quen ghi chú
Ghi những kiến thức mà thầy cô lưu ý khi giảng bài hoặc những kiến thức mà bạn hay nhầm lẫn vào 1 mảnh giấy, bỏ vào 1 hộp. Nhớ là tổng hợp hết tất cả các môn học nhé. Mỗi lần đi qua lấy 1 tờ rồi mở ra xem và trả lời. Như vậy sẽ giúp bạn nhớ đều và có thể trả lời khi bất ngờ đối diện với kiến thức.
3. Tư duy bằng cả hai bán cầu não
Tại sao có người học kém? Tại sao có người học giỏi? Thực ra học kém hay giỏi không phải là bản chất, mà phần nhiều là do họ chưa biết cách điều khiển bộ não của mình mà thôi. Não bạn có 2 bán cầu, não trái chủ yếu cho tư duy logic, ngôn ngữ còn não phải là cho tưởng tượng hình ảnh. Từ trước đến giờ người ta dạy các bạn là đa số tác động vào não trái, tức là giảng toàn chữ nên trong giờ học, não phải của bạn không có việc làm, cứ tưởng tượng mông lung dẫn đến không tập trung gì cả.
Vì vậy, muốn học hiệu quả chúng ta phải tìm cách vận dụng cả 2 não của mình. Một phương pháp đơn giản nhất giúp ôn thi các môn học thuộc dễ hơn cả chính là tưởng tượng. Từ bây giờ bạn hãy tìm cách tưởng tượng thật nhiều vào.
4. Rèn luyện thói quen tự học
Nhiều bạn đi học thêm nhiều, chạy xô lớp này rồi sang lớp khác, học thêm chưa xong lớp này đã lo nghĩ sang ca học thêm sau ở lớp luyện thi khác. Điều đó làm cho các bạn mệt mỏi, học thêm xong về nhà lại nằm ngủ khì đến hôm sau. Sách vở thì vẫn cứ gấp đấy, chẳng bỏ ra xem rồi để đến hôm học thêm kế tiếp mới mở ra để….chép bài. Cái đó làm cho bản thân bạn dần dần bị tích tụ một lượng kiến thức KHỔNG LỒ, tràn lan mà chẳng biết xử lý sao. Rồi lại thấy nản với hàng đống bài tập chưa giái quyết, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và dần dần SỢ, áp lực với môn đó. Kết hợp với một vài lần bị kém làm bạn nản càng nản thêm, sợ càng sợ thêm.
Học thêm nhiều thường sẽ chỉ giúp cho chúng ta tích tụ và lưu giữ kiến thức trong một thời gian ngắn. Vì đi học thêm nghĩa là phần lớn bạn đã bị theo hướng “bị động” nghĩa là luôn luôn phụ thuộc vào thầy giáo dạy thêm mà chẳng chịu tự chủ động động não thế nên đương nhiên kiến thức “bay” đi nhanh là phải rồi.
Còn tự học thì sao?
Tự học sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức, ta sẽ có xu hướng tìm tòi những thứ mình CẦN và mình THIẾU mà tự động hành động tìm kiếm để bù đắp cho mình.
Tự học giúp ta có trạng thái cay cú khi không hiểu để rồi tự thôi thúc bản thân tìm mọi “thủ đoạn” để sao hiểu được bằng ra vấn đề đó: search mạng, gọi điện hỏi bạn, hỏi thầy …
Tự học giúp ta tích tụ dần dần và chắc chắn lượng kiên thức cho riêng mình. Nó làm ta vững chắc, nhớ hơn và hiểu rõ vấn đề hơn.
Tự học ta sẽ không bị áp lực bởi lượng kiến thức, lượng bài tập của mình. Tâm lý sẽ cực kỳ tốt hơn. Sức khỏe cũng sẽ khá hơn.
5. Thời gian học
Khoảng thời gian bộ não ta làm việc tốt nhất đó là 5h-6h, 7h30-10h30, 14h-16h30, 20h-22h. Lúc đó là lúc bộ não ta “hưng phấn” và học vào nhất. Đừng nên cố gắng học thêm tiếp, càng làm bộ não ta bị gánh nặng thêm. Hãy tập trung tinh thần, công lực bộ não mình vào những khung giờ đó nhé. Học tầm 45-50ph thì nên nghỉ ngơi, giải lao 5-6ph sẽ tốt hơn à không nên học ngay sau khi vừa ăn xong.
6. Không gian học
Hãy ngồi gần cửa sổ, càng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và luồng không khí lưu thông đều trong phòng, bạn càng khỏe. Nếu có thể, bạn hãy tìm loại nhạc Baroque để làm nền khi học. Người ta nói rằng loại nhạc này có thể rút ngắn thời gian học tiếng anh hiệu quả từ 3 năm xuống còn 3 tháng.
7. Ghi nhớ hệ thống
Làm sao để nhớ cả bảng hệ thống tuần hoàn? Nhớ tất cả các sự kiện lịch sử trong sách? Bạn hãy thực hiện theo cách sau:
– Ghi thành dàn bài:
Trước tiên bạn đọc toàn bài môn bạn đang học 1 lần – 2 lần – hoặc cũng có thể là 3 lần. Ðến lúc bạn nắm chắc yêu cầu bài mới thôi. Sau đó, bạn tóm tắt bài đó thành 1 dàn bài đại cương gồm nhiều mục như 1, 2, 3; trong các mục này lại có các ý nhỏ hơn được đánh dấu bằng a, b, c… Mỗi mục này bạn đều phải đặt tiêu đề cho nó.
– Nhẩm trong óc:
+ Lần đầu tiên, bạn hệ thống bài bằng cách “nhẩm trong óc” nhẩm từng phần một của dàn bài, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem lại. Bạn cứ tiếp tục nhẩm sang phần khác và đừng quên các phần quan trọng đáng ghi nhớ, đừng bỏ sót một chi tiết nào. Lần lượt như vậy cho đến hết toàn bài.
+ Lần thứ hai, bạn bắt đầu nhẩm lại tất cả có hệ thống toàn bài hơn. Lần này bạn ghi nhận phần đã bị quên. Bạn mở sách xem lại, ghi ra giấy hoặc đánh dấu những phần đó. Bạn tìm ý những chỗ quên sót để rồi học lại cho nhuần nhuyễn.
+ Lần thứ ba, bạn hệ thống lại bài và bạn đặt thành câu hỏi rồi tự giải quyết trong óc câu hỏi ấy. Bạn xem lại việc trả lời có thông suốt phân minh chưa. Nếu chỗ nào vướng mắc lật dàn bài ra xem.
– Ghi ra giấy:
Nhất là những công thức, những định lý, định đề. Khi ghi, bạn chỉ tóm tắt phần quan trọng, sao cho khi mở trang giấy ra nhắc nhở lại bạn hệ thống bài học bằng trí nhớ mà không cần mở sách. Tránh ghi rườm rà, dư thừa, vừa mất thời gan vô ích mà lại phí sức. Nói chung làm thế nào để bạn có thể tổng hợp các phương pháp (nhẩm nhớ – ghi chép – và lập dàn bài) sao cho tạo được điều kiện để bạn đọc bài mau thuộc đó là đíều quan trọng nhất.
8. Chú ý đến kiến thức căn bản
Nắm chắc kiến thức cơ bản, những định nghĩa, kỹ năng được xem là một bí quyết ôn thi hiệu quả để hướng dẫn học sinh triển khai đề cương ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng đúng với trọng tâm, không lan man, ôm đồm, quá tải. Còn sách giáo khoa được coi là tài liệu phục vụ ôn thi tốt nhất.
Mặc dù thời gian thi đang đến gần nhưng cũng đừng quá hấp tấp mà dẫn đến ôn trước quên sau. Kinh nghiệm ôn thi hiệu quả nhất là trong quá trình ôn tập cần chú ý hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho “ôn đến đâu chắc đến đó”. Phần nào, bài tập nào sức mình làm được thì ôn thật kĩ, để khi đi thi chắc chắn sẽ có điểm. Có ôn như vậy, khi đi thi sẽ giúp “sĩ tử” cảm thấy tự tin và khi thi xong cũng không lo lắng sai phần này hoặc phần kia.
9. Tập trung cao độ
Thi ĐH hay thi những môn trắc nghiệm thì sức ép thời gian là áp lực rất lớn. Có rất nhiều bạn không thể tập trung trong một thời gian dài, cứ đến gần cuối giờ là đầu óc bắt đầu lung tung. Vì vậy, mỗi buổi hãy làm 1 bài trắc nghiệm của 1 môn, quy định thời gian làm bài. Đừng để đầu óc mình cứ miên man, hay dễ bị phân tâm vì một việc gì đó. Tốt nhất là điều chỉnh đồng hồ sinh học hoạt động theo ca thi. Cứ đúng 8 giờ và khoảng 1g là bắt đầu tập trung. Cách này tôi thấy có hiệu quả nhất.
10. Ôn theo nhóm
Ngoài việc học trên lớp và tự học ở nhà, học sinh nên tổ chức hình thức học theo nhóm. Bởi vì thông qua nhóm học tập, học sinh dễ dàng thảo luận với nhau để tìm ra những đáp án trước những bài tập khó và có thể góp ý và sửa sai cho nhau.
Bạn đã áp dụng được bao nhiêu bí kíp? Hãy rèn luyện những bí kíp ôn thi đại học hiệu quả mỗi ngày để có thể thi đỗ vào bất kỳ trường Đại học nào bạn mong muốn, dù chương trình thi có thiên biến vạn hóa như thế nào cũng không thể làm khó bạn.
- Hơn 800.000 thí sinh trên cả nước sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Ở giai đoạn “nước rút”, ngoài kiến thức, bản lĩnh và ý chí là yếu tố quan trọng quyết định việc đỗ hay trượt.
Những ngày ôn thi cuối cùng, học sinh đôi lúc cảm thấy chán nản, hoang mang vì không biết mình đã ôn luyện đủ hay chưa? Những thông tin “gây nhiễu” về cách học tủ, phán đoán đề thi được chia sẻ rộng rãi trên mạng khiến nhiều em băn khoăn.
12 năm cắp sách đến trường giờ quyết định đỗ hay trượt trong mỗi bài thi chỉ có một tiếng. Thực tế đó đòi hỏi học sinh bình tĩnh để ôn luyện kiến thức sao cho khoa học, giảm thiểu sai sót.
Năm nay, môn Toán lần đầu được Bộ GD&ĐT thực hiện dưới hình thức thi trắc nghiệm. Bài thi có 50 câu được làm trong 90 phút, tương ứng 1,8 phút cho mỗi câu. Cấu trúc đề thi sắp xếp từ dễ đến khó, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Theo thầy Lại Tiến Minh – giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội – trong những ngày “nước rút”, thí sinh cần chia thành các giai đoạn nhỏ. Đầu tiên, các em nên lướt lại toàn bộ kiến thức cần thiết cho kỳ thi, có thể xây dựng dưới dạng sơ đồ, sau đó xem phương pháp của mỗi dạng bài, câu hỏi.
Sau đó, học sinh cần luyện đề tổng hợp để tự mình đánh giá kiến thức hiện tại của bản thân, cũng như rèn kỹ năng làm bài.
Khi đi thi, thí sinh đừng nghĩ mình sẽ được bao nhiêu điểm mà hãy nghĩ mình sẽ cố gắng như thế nào? Áp lực về điểm số là một trong những nguyên nhân khiến nhiều em có tâm lý mất tự tin, căng thẳng.
Trong quá trình ôn tập, học sinh lưu ý điểm Toán trắc nghiệm cao không phải nhờ mẹo hay thủ thuật giải, mà là tư duy. Khi làm bài cần nhớ không để sai sót trong bài dễ với bài khó, nhớ kiểm tra lại bài trước khi rời phòng thi.
Tư vấn về đề thi, thầy Nguyễn Tiến Đạt – giáo viên môn Toán tại Hoc24h.vn – nhận định 20 câu đầu thường dễ, hoàn toàn có thể bấm máy tính được, nhưng cách làm này có thể chậm hơn giải bằng tay rất nhiều.
Từ câu 21 đến 35 thường đòi hỏi học sinh phải biết xử lý các dạng cơ bản và những câu hình ở phần này chưa mang tính biến đổi nhiều, học sinh trung bình hoàn toàn có thể “ăn điểm” phần hình mà không cần lo lắng.
Từ câu 36-50 bắt đầu phân loại, có nhiều câu hình học hơn, tốn khá nhiều thời gian của học sinh. Những em chưa nắm chắc về phần hình học thì nên lựa chọn câu quen thuộc. Câu bào thấy lạ, các em nên làm sau cùng.
Khoảng 10 phút cuối, thí sinh nên đếm lại số câu chưa làm xong và ưu tiên làm phần giải tích trước, rồi làm hình học Oxyz, và cuối cùng là giải quyết câu về hình không gian.
Theo Hoàng Đình Quang – á khoa ĐH Ngoại thương Hà Nội – đề thi môn tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) được sắp xếp từ dễ đến khó với thời gian làm bài hợp lý, không có nhiều câu đánh đố học sinh.
Qua đề thử nghiệm của Bộ GD&ĐT có thể thấy mức độ câu khó giảm xuống nhưng đồng thời sức ép khi làm bài thi cũng tăng lên. Vì vậy, đề yêu cầu học sinh phải hiểu sâu vấn đề mới làm được chính xác, nếu làm ẩu sẽ dẫn đến kết quả thấp. Các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên sẽ có 50 câu, làm trong 60 phút.
Với môn Vật lý, thầy Hồng Hà, giáo viên tại TP.HCM, lưu ý thí sinh thường gặp sai sót khi nhớ máy móc công thức mà không hiểu các hiện tượng vật lý đi kèm, đọc đề bài không kỹ gây hiểu lầm, thiếu kỹ năng tính toán dẫn đến việc làm bài chậm. Gần đến ngày thi, thí sinh nên luyện đề thi thay vì học thêm kiến thức mới.
Bài thi môn Sinh học sẽ có kiến thức bám sát chương trình SGK lớp 12 hiện hành, không nên xem nhẹ bất cứ phần nào.
Theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2017, Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận trong 120 phút. Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên THPT ở Nam Định, chỉ ra một số sai lầm thí sinh dễ mắc phải khi làm bài.
Thứ nhất, học sinh thường ngộ nhận bài càng dài, điểm càng cao nên hay viết tùy hứng và lan man. Các em nên trình bày thẳng vào vấn đề để người chấm thi không mất thời gian và dễ dàng hiểu được ý diễn đạt của đề bài.
Đôi khi, học sinh chỉ cần đề cập từ khóa của đáp án là có thể ghi điểm, vì vậy, cần đầu tư cho cho hệ thống ý và luận điểm để thuyết phục người đọc.
Thứ hai, học sinh thường “tặc lưỡi” nghĩ môn Ngữ văn không thể đạt điểm tuyệt đối nên không nỗ lực hết mình trong bài viết. Theo thầy Quỳnh, đề thi gồm nhiều câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, các em hãy làm chắc 6 điểm ở phần dễ, sau đó tự tin ở các câu có mức độ phân hóa.
Thứ ba, khi làm bài môn Ngữ văn, các em không nên vừa làm bài vừa nghĩ ngợi, quan điểm của mình sẽ bị người khác đánh giá thấp. Bởi nếu không dám khác biệt, bạn khó có cơ hội thành công trong cuộc sống.
“Suy nghĩ của bạn phải thiết thực, chân thành để thuyết phục người khác chứ không phải chạy theo khuôn mẫu sáo rỗng nào. Chỉ có như vậy, thi cử mới thực sự là trải nghiệm”, thầy Quỳnh chia sẻ.
Với kết cấu bài thi Tiếng Anh, thí sinh sẽ làm 50 câu trong thời lượng 60 phút. Theo cô Vũ Mai Phương – giáo viên dạy Tiếng Anh online – trong giai đoạn ôn thi này, việc luyện đề sẽ mang lại tác dụng hơn ôn tập kiến thức. Bởi sau mỗi đề thi, học sinh thấy được phần kiến thức nào mình nắm chắc, phần nào đang yếu để có kế hoạch tập trung khắc phục.
Cô Mai Phương cho rằng việc các em ôn tập chắc kiến thức cơ bản để không sai câu dễ hiệu quả hơn học thật nhiều kiến thức mới để làm các câu khó. Với những bài thi không cần điểm quá cao, học sinh nên rà soát phạm vi kiến thức cơ bản, chủ yếu là ngữ pháp và từ vựng thuộc phạm vi sách giáo khoa.
Năm nay, bài thi Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là tổ hợp mới, bao gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Mỗi môn trong bài thi tổ hợp có 40 câu, thi trong 50 phút.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An – cho rằng đặc thù của môn Lịch sử là hiện hữu nhiều mốc sự kiện, không gian, thời gian, các em nên hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức hiệu quả.
Với bài thi Địa lý, thí sinh cần lưu ý cấu trúc đề thi mà Bộ GD&ĐT đã công bố: Địa lý tự nhiên (7 câu), địa lý dân cư (3 câu), địa lý các ngành kinh tế (10 câu), địa lý vùng kinh tế (10 câu), thực hành (10 câu).
Bài thi Giáo dục công dân khiến nhiều giáo viên và học sinh hoang mang nhất vì lần đầu tiên xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài nắm vững kiến thức 10 bài trong sách, học sinh cần phải biết liên hệ các tình huống thực tế.
Tương tự mọi năm, kỳ thi năng khiếu vào các trường đại học diễn ra sau kỳ thi THPT quốc gia theo đề án tuyển sinh riêng của từng trường.
Năm nay, ĐH Kiến trúc Hà Nội bắt đầu làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6, thi các bộ môn từ 28/6 đến 30/6. ĐH Sân khấu Điện ảnh tổ chức thi 2 vòng, sơ tuyển từ 10/7 đến 14/7, chung tuyển từ 15/7 đến 20/7. ĐH Văn hóa Hà Nội thi năng khiếu từ ngày 30/6 đến 1/7.
Lương Huyền Thanh, thủ khoa ĐH Sân khấu Điện ảnh năm 2016, chia sẻ với những thí sinh thi năng khiếu vào khoa Diễn viên, các bạn nên thể hiện sự tự tin, cách nói rõ ràng, đầu tóc gọn gàng, trang điểm không nên quá đậm.
Về diễn xuất, các bạn nói ít và hành động nhiều, tránh diễn quá lố vì có thể gây phản cảm. Việc dùng ngôn ngữ hình thể để biểu đạt cho câu nói là điều nên làm.
Huyền Thanh cho hay với các môn thi năng khiếu nói riêng và thi ĐH Sân khấu Điện ảnh nói chung, nếu thực sự yêu thích và đam mê, các bạn nên mạnh dạn đăng ký thi để tự tạo cơ hội cho mình, việc đỗ hay không lại là câu chuyện khác. Trong quá trình học, ngoài năng khiếu cá nhân, việc rèn luyện chiếm vai trò quan trọng.
Vitamin cho trí nhớ
Theo kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ, gần ngày thi, thí sinh nên có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau, bổ sung nhiều Omega3, DHA, uống nhiều nước để có cơ thể khỏe mạnh. Đồng thời, các em nên tạo thói quen nhớ lại toàn bộ kiến thức đã học vào mỗi buổi sáng sớm, sau đó mở sách xem lại phần đã quên.
Ngoài ra, kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ đưa ra phương pháp rèn luyện trí nhớ hiệu quả để học sinh tham khảo là cách vẽ sơ đồ tư duy của Tony Buzan. Đây được coi là cách người học lấy thông tin nhanh nhất, hình vẽ trong sơ đồ không cần đẹp, chỉ cần bao gồm nội dung.
Bên cạnh đó, phương pháp tư duy theo hình nhện được đánh giá hiệu quả. Phương pháp này giúp thí sinh mở rộng kiến thức của mình, thậm chí còn có thế học nhiều môn học cùng một lúc.
385 views