Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Thực phẩm có thể gây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn. Vì thế công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thực phẩm. Mặc dù cho đến nay đã có khá nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như biện pháp về quản lý giáo dục như ban hành luật, điều lệ và thanh tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các bệnh do thực phẩm và thức ăn kém chất lượng về vệ sinh vẫn chiếm tỷ lệ khá cao và xảy ra hàng ngày.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. Các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào ngày càng nhiều chủng loại mà có nhiều trường hợp người tiêu dùng không biết được nguồn gốc xuất xứ và loại hóa chất dùng bảo quản thực phẩm. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến, các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, … Nhiều loại gia súc, gia cầm, thịt được bày bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Việc bảo quản lương thực thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển đã dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có liên quan sức khỏe sinh sản, bệnh tim mạch và ung thư.
Sử dụng thực phẩm tươi ngon không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể chúng ta phòng tránh được nhiều bệnh. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn có thể lựa chọn được thực phẩm tươi cho gia đình mình.
Cách chọn gạo ngon: Gạo là thực phẩm dạng lương thực cung cấp cho chúng ta chủ yếu chất tinh bột. Tinh bột khi vào cơ thể, qua quá trình chuyển hóa sẽ cho chúng ta dạng đường (glucose) đơn giản, đây là dạng năng lượng chủ yếu cho con người.
Gạo mới sẽ giữ nguyên được hàm lượng dưỡng chất, không có các thành phần nấm mốc. Để biết được gạo mới, ngon hay không chúng ta cần nhìn và sờ vào gạo. Gạo mới là hạt gạo khô, không bị ẩm mốc, các hạt gạo đều nhau, hình tròn hay dài tùy giống lúa, trong, không đục, không có mạt cám, không có màu sắc biến đổi. Nếu cắn thử thấy hạt gạo giòn, không vỡ vụn. Ngửi mùi gạo có mùi thơm đặc trưng. Đó là gạo mới và ngon.
Cách nhận ra thịt tươi: Thịt là thực phẩm cung cấp chất đạm và chất béo cho cơ thể, một phần tham gia vào cơ chế cung cấp và duy trì năng lượng. Năng lượng do chất béo cung cấp lớn hơn gấp 3 lần năng lượng do chất tinh bột tạo ra. Vì thế ta thường cảm thấy nếu ăn thịt đủ khối lượng thì sẽ lao động khoẻ hơn, cảm thấy ít mệt hơn. Chúng ta thường sử dụng nhiều thịt lợn, thịt gà, thịt bò.
Thịt tươi mới là thịt của động vật vừa mới giết mổ. Nếu là thịt mới thì thịt còn ấm, miếng thịt dẻo, thơm mùi đặc trưng, không hôi, không có mùi lạ, bề mặt miếng thịt không có lớp màng bao phủ, lấy ngón tay ấn sẽ thấy đàn hồi tốt và không chảy nước. Nếu bạn nhìn nghiêng dưới ánh sáng thì có thể thấy các màu ngũ sắc ánh lên khác nhau. Đó là thịt tươi và ngon. Thịt ôi thì không được dẻo, miếng thịt vón lại như một cục và sẽ không có các màu ngũ sắc, ngửi có mùi hôi.
Dấu hiệu cá tươi: Cá là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe vì cung cấp nhiều đạm, nhiều axít béo. Cá không gây ra chứng dư mỡ máu, không gây béo phì lại cung cấp một số khoáng chất quan trọng như iốt.
Để biết được cá tươi, ngon chúng ta sẽ thấy vảy cá xếp đều, trắng, không bong tróc, không có các dấu hiệu bất thường. Mang cá khép chặt, nếu lấy tay nâng mang cá lên xem sẽ thấy mang cá màu hồng tươi mà không phải màu tía. Chú ý quan sát mắt cá. Cá tươi thì mắt cá to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài. Chất nhờn trên thân mình phải trong, nhớt và không có mùi lạ.
Cách chọn rau quả tươi: Rau quả tươi là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ và các khoáng chất cần thiết như sắt, đồng, kẽm, magiê, các vitamin…. Rau củ tươi là rau củ không héo, màu xanh hoặc màu đặc trưng mà không bị biến dạng. Cánh lá cứng cáp, không mềm. Cầm cây rau lên thân cây rau sẽ nằm thẳng, không mềm rũ xuống là rau mới. Sờ thân cây rau không có nhớt vì nhiều khi lá héo được người bán hàng vứt bỏ nhưng những lá thối sẽ tạo nhớt trên thân. Cuống lá rau phải còn xanh, mập.
Để chọn quả tươi thì quan trọng là chọn quả không bị nứt, vỏ không thủng, quả không dập nát. Nếu những quả có cành như vải, nhãn, nho thì bẻ cành xem thử, nếu lõi cành bên trong màu xanh, thơm mùi nhựa cây thì quả đó mới thu hoạch. Nếu khô, héo, quắt, đen thì đã thu hoạch từ lâu, quả không còn mới nữa.
Ðể đề phòng ngộ độc thực phẩm, mỗi chúng ta cần phải biết lựa chọn thực phẩm an toàn. Đồng thời lưu ý một sô vấn đề sau:
– Các hộ trồng trọt không sản xuất, bán ra thị trường những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là rau ăn, đảm bảo không bón quá nhiều phân đạm, không phun quá nhiều hoá chất trừ sâu, không được tưới phân tươi, bảo đảm thời gian cách ly hóa chất trước khi thu hoạch, rau bán cũng như rau trồng để nhà ăn phải đảm bảo an toàn như nhau.
– Phổ biến rộng rải cho nhân dân những kiến thức và kỹ thuật chọn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn. Chú ý chọn các loại rau quả tươi, thịt, cá tươi, gạo… không bị mốc, thời hạn sử dụng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp.
– Phải có đủ nước sạch, an toàn, rửa dụng cụ nấu ăn, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nấu chín kỹ thực phẩm thịt, cá, dễ bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh và ăn ngay sau khi nấu. Thức ăn nấu chín không ăn ngay để quá 4 giờ và nhất là để cách đêm nhất thiết phải đun sôi lại. Không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống khi bảo quản. Không tham gia chế biến thực phẩm khi đang tiêu chảy, sốt, nôn, nhiễm trùng ngoài da hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Giữ gìn vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm, cách xa khu chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi rác thải, cống rãnh ô nhiễm; Nơi ăn uống phải sạch sẽ thoáng mát, có bàn ăn cao tránh bụi bẩn, thức ăn bầy sẵn có lồng bàn che đậy.
Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mọi người chú ý thực hiện các điều đơn giản nói trên để bữa ăn đem lại nguồn dinh dưỡng tốt và không là nguồn gây bệnh đảm bảo sức khỏe cho mọi gia đình.
Việc lựa chọn thực phẩm một cách an toàn và đầy đủ dinh dưỡng không phải là một chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng vì bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách chọn các loại thực phẩm khác nhau cũng như cách bảo quản, chế biến món ăn làm sao cho không làm hao hụt đi chất dinh dưỡng mà vẫn ngon miệng.
Lựa chọn thực phẩm
Bây giờ với danh sách hàng hóa cần mua trong tay, bạn đã sẵn sàng mua các món đồ mình cần. Để mua được những thực phẩm đáng giá đồng tiền, bạn hãy chọn các mặt hàng chất lượng giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền của mình.
Dưới đây là danh sách một số mặt hàng thực phẩm thông thường và một số mẹo lựa chọn thông minh.
1. Gạo – Chọn gạo màu nâu hoặc chưa được làm bóng, thay vì chọn gạo trắng.
2. Bánh mì – Chọn các sản phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
3. Ngũ cốc – Chọn ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng.
4. Trái cây và rau xanh – Mua đa dạng các loại rau quả với nhiều màu sắc khác nhau cho mỗi tuần.
5. Bánh quy – Chọn bánh quy hoặc những loại bánh làm từ bột yến mạch , các loại hạt / nho khô thay vì mua loại bánh ngọt phủ nhiều kem.
6. Sữa – Mua sữa tươi nguyên kem cho con của bạn vì sữa đặc có đường không thể thay thế cho sữa.
7. Thịt – Chọn thịt nạc tươi ngon nhiều hơn các loại thịt chế biến/ đóng hộp.
8. Thực phẩm chế biến – Chọn loại thực phẩm có hàm lượng đường, muối và chất béo thấp
9. Chọn thịt tươi – Nhìn miếng thịt thấy: màng ngoài khô không bị ướt, thịt có thớ mịn đều, không có xuất huyết, không có các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt săn, màu sắc bình thường, mùi đặc trưng của thịt, không có mùi lạ, khối thịt rắc chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay. Nếu thịt ướp hàn the hoặc urê khi sờ vào thịt có cảm giác không còn mềm mại và độ dẻo dính của thịt tươi.
10. Chọn cá tươi – Cá còn bơi hoặc thân cá co cứng khi để cá lên bàn tay thân các không thõng xuống, mắt trong suốt giác mạc đàn hồi, miệng ngậm cứng, mang màu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế, vây tươi óng ánh, dính chặt vào thân, bụng không trướng, hậu môn thụt sâu màu trắng nhạt, thịt rắn chắc, có đàn hồi, dính chặt vào xương sống.
11. Chọn trứng có chất lượng tốt
Soi trên nguồn ánh sáng: Nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ để hở hai đầu mắt nhìn vào trứng ở 1 đầu, đầu kia soi trên 1 nguồn sáng nếu trứng tươi soi thấy màu hồng và trong suốt với một chấm hồng ở giữa túi khí có đường kính không quá 1cm, đường bao quanh cố định.
Thả trứng vào dung dịch nước muối 10% trứng chìm xuống đáy là trứng mới đẻ trong ngày, trứng lơ lửng là trứng đẻ được 3 – 5 ngày, trứng nổi là trứng đẻ quá 5 ngày.
Lắc trứng: cầm trứng giữa 2 ngón trỏ và ngón cái lắc khẽ, trứng mới lắc không kêu, trứng càng để lâu càng kêu.
12. Chọn rau quả tươi – Không dập nát, không úa héo. Màu tự nhiên: Rau không xanh đậm quá, quả không đỏ hoặc vàng quá. Với khoai tây đã mọc mầm hoặc sau khi gọt vỏ thịt khoai màu xanh cần cắt bỏ chỗ màu xanh. Hiện nay rau quả trên thị trường thường chứa nhiều chất bảo vệ thực vật. Để làm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trên rau, củ, quả trước khi chế biến cần rửa sạch rau, củ, quả bằng nước sạch nhiều lần (ít nhất 3 lần), tốt nhất rửa dưới vòi nước chảy, sau đó ngâm trong nước sạch 15 phút trước khi chế biến (nếu có thể thì gọt bỏ vỏ).
13. Chọn thực phẩm đóng hộp:
Thực phẩm đầy đủ nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, có đăng ký chất lượng sản phẩm.
Hộp phải sáng bóng không gỉ, kín không phồng, khi ấn thấy nắp hộp trở lại bình thường và để ở nhiệt độ bình thường 5 – 7 ngày không thấy phồng trở lại thì sử dụng được, khi mở hộp véc ni còn nguyên không hoen ố.
Đối với các thực phẩm có nhuộm màu: Rất khó phân biệt sản phẩm nhuộm màu công nghiệp và phẩm màu thực phẩm. Chỉ nên cho trẻ ăn thực phẩm nhuộm màu có nguồn gốc rõ ràng, đã đăng ký chất lượng và được kiểm nghiệm của cơ qua y tế ghi trên nhãn mác.
Tuyệt đối không cho trẻ ăn loại thức ăn đã biết trẻ có tiền sử bị dị ứng với loại thức ăn đó.
Lựa chọn dụng cụ chứa đựng và chế biến thực phẩm an toàn
1. Dụng cụ chứa thực phẩm.
Cần làm từ các vật liệu không có khả năng phân hủy các chất độc hại vào thực phẩm, bề mặt nhẵn, không sứt mẻ, dễ làm sạch, khử trùng, không bị ảnh hưởng bởi các chất tẩy rửa và các chất khử trùng.
Cấm dùng các dụng cụ sản xuất từ đồng, kẽm, sắt hoặc hợp kim có chứa > 9,5% chì; 0.03% asen.
Hạn chế tối đa các dụng cụ làm bằng gỗ.
Không nên đựng thực phẩm có mỡ, dầu, mặn trong các túi, ca nhựa để tránh các chất có hại ngấm vào thực phẩm gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Không nên dùng giấy báo để gói thực phẩm do trong thành phần mực in có chứa một số kim loại nặng, trong đó thành phần chủ yếu là chì (Pb), ngoài ra nguyên liệu sản xuất giấy báo cũng dễ bị ô nhiễm, các chất độc hại từ môi trường.
Dùng 2 loại thớt để thái thịt sống và thịt chín riêng.
Dụng cụ ăn uống cần được rửa sạch và tiệt khuẩn bằng phương pháp thích hợp trước khi đựng thức ăn
2. Chế biến thức ăn an toàn, không hao hụt các chất dinh dưỡng
Trong quá trình chế biến nên lưu ý: Rau nên nhặt sạch, rửa kỹ rồi mới thái và nấu ngay. Lúc nấu nên đun sôi nước rồi mới thả rau như vậy sẽ hạn chế lượng vitamin C bị hao hụt, nấu xong nên ăn ngay.
Cần phối hợp nhiều loại rau trong một món: Thí dụ xào thịt bò với xu hào, súp lơ, cà rốt, đậu Hà Lan, nấm, cần tây, tỏi tây…, nấu xanh cua với mướp, mồng tơi, rau đay, như vậy vừa tạo cảm giác ngon miệng lại cung cấp đồng thời nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể thêm khỏe mạnh.
Không dùng dầu ăn cũ: Dầu ăn nên sử dụng một lượng vừa đủ, tránh để dầu ăn còn thừa trong chảo rán từ hôm này qua hôm khác để chế biến thức ăn. Ở cổng trường đôi khi có các hàng quà bánh, bán bánh rán, quẩy rán hoặc nem rán…họ sử dụng một chảo mỡ hoặc dầu ăn từ ngày này sang ngày khác, Chảo mỡ hoặc dầu ăn đó có màu đen xỉn, cháy…như vậy rất có hại cho sức khỏe.
Vo gạo: không nên vo kỹ quá, sẽ mất đi lượng vitamin, nhất là các vitamin tan trong nước (như các vitamin nhóm B).
3. Sử dụng và Bảo quản thực phẩm an toàn
Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín, che đậy cẩn thận thức ăn đã nấu chín để chống loài gậm nhấm như ruồi, gián, kiến và các loài động vật khác gây nguy hiểm và nhiễm bẩn.
Nên ăn ngay khi thức ăn vừa nấu xong. Không nên ăn thức ăn sau khi chế biến quá 2 giờ. Thức ăn còn thừa muốn giữ lại phải bảo quản đúng cách và cần đun sôi lại thức ăn trước khi sử dụng.
Không để lẫn lộn thức ăn chín và thức ăn sống.
Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm như thịt, cá, bánh kẹo, rau củ quả, rượu bia… tăng cao và đây cũng là thời điểm các loại thực phẩm bẩn trà trộn trên thị trường khiến cho người tiêu dùng lo ngại.
Lo lắng làm sao có thể chọn lựa được các loại thực phẩm vừa sạch vừa đảm bảo chất dinh dưỡng cho gia đình, chị Nguyễn Thu Hà (quận 7) nói: “Vào những ngày Tết tôi luôn lo lắng và băn khoăn làm sao có thể chuẩn bị và trang bị cho gia đình một bữa ăn an toàn và đúng nghĩa. Khi đi chợ quan sát thực phẩm theo mắt thường thấy rau có thể rất sạch và thịt thì rất tươi nhưng tôi rất băn khoăn không biết có bị nhiễm chất độc gây ung thư hay không và làm sao để phân biệt được thực phẩm sạch”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, để chọn được thực phẩm an toàn nên chọn thực phẩm theo nguyên tắc chỉ nên tìm chọn thực phẩm có nguồn gốc, được bán tại các nơi có điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và đã được kiểm soát về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, khi chọn thực phẩm, người tiêu dùng cũng cần lưu ý về mặt cảm quan: Có thể ngửi xem sản phẩm đó có mùi lạ hay không hoặc sản phẩm có những bất thường về sự tăng trưởng hay không; đối với các loại thịt thì phải được bảo quản trong điều kiện lạnh để đảm bảo được độ tươi của sản phẩm và nên chọn thịt có màu sắc đặc trưng đỏ nhạt vừa, không được chọn những sản phẩm thịt có thớ to, sậm và ít mỡ.
862 views
Bài viết liên quan