Chào mọi người, hôm nay mình lại tiếp tục viết series (chuỗi bài) về vấn đề sử dụng Facebook và phân tích lợi hại của Facebook. Hy vọng những kiến thức mình cung cấp sẽ có ích cho các bạn, giúp các bạn trang bị thêm kiến thức để có thể sử dụng 1 thứ tưởng như dễ nhưng không hề dễ.
Phần lớn thời gian, Facebook có vẻ như cực kỳ vô hại, nhưng bạn đã bao giờ thử ngừng lại để xem xét những tác động của Facebook có thể gây ra với sức khỏe, năng suất và bản sắc cá nhân của bạn? Dưới đây là vài điều tất cả chúng ta đều nên chú ý với việc sử dụng Facebook của ta.
Facebook cực kỳ gây nghiện
Có lẽ bạn không tự coi mình là 1 con nghiện cờ bạc, nhưng Facebook cũng có đặc điểm gây nghiện chẳng kém gì 1 cỗ máy đánh bạc.
Facebook gây nghiện bởi nó vừa khó lường, lại vừa hứa hẹn phần thưởng.
Bạn biết không, nhiều năm trước, nhà tâm lý học hành vi B. F. Skinner đã chủ trì các thí nghiệm, trong đó ông thưởng cho lũ chuột. Trong 1 thí nghiệm, đám chuột phải nhấn vào chiếc cần 5 lần, sau đó sẽ nhận được 1 viên thức ăn nhỏ.
Nhưng trong 1 thí nghiệm khác, viên thức ăn được đưa ra ngẫu nhiên. 1 con chuột già khốn khổ chỉ cần nhấn chiếc cần 3 lần là đã được viên thức ăn. Rồi con chuột nào đó nhấn 8 lần và được phần thưởng. Và thậm chí sau 4 lần, 1 viên thức ăn vẫn được đưa ra.
Ông Skinner khám phá ra điều gì?
Lũ chuột sẽ làm việc chăm chỉ hơn và hào hứng hơn khi phần thưởng không thể dự đoán.
giờ thì điều tương tự có thể áp dụng với Facebook. Có nhiều lần, những câu cập nhật trạng thái của bạn bè ta thật nhạt nhẽo. Ví dụ, cập nhật hôm nay có những câu như “Đỗ xe thật điên đầu!”, “Nóng chảy cả mỡ!” và “Nhìn thấy 1 gã mày râu hẳn hoi tỉa tót lông mày lúc dừng đèn đỏ. Lố quá đi mất.”
Nhưng thi thoảng, lúc dạo Facebook, bạn lại trông thấy 1 bức ảnh chụp em bé dễ thương con nhà bạn nào đấy hay 1 video buồn cười. Và bạn cảm tình với Facebook ngay. Trong 1 khoảnh khắc, bạn cảm thấy thực sự phấn khích.
Nhưng đây mới là mấu chốt: Bạn không bao giờ biết có thứ gì đó vui nhộn hay thú vị sắp sửa xuất hiện trên Facebook. Đây là lý do tại sao nó cũng gây nghiện hệt như 1 cỗ máy đánh bạc và bạn cứ liên tục quay lại để kiểm tra xem có chuyện gì mới (nhất là gặp lúc công việc của bạn bắt đầu hơi nhàm chán).
Facebook dẫn tới điểm số và kỹ năng tư duy thấp hơn
1 nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng các sinh viên vẫn mở trang Facebook (dù không dùng đến) trong khi đang làm việc khiến điểm số của họ thấp hơn 20% so với các sinh viên khác. Lý do cho việc này là các sinh viên có cách học như vậy về cơ bản đang thực hiện đa nhiệm vụ (tức là, họ chuyển đổi thật nhanh giữa các nhiệm vụ khác nhau).
Tin xấu là tung hứng nhiều nhiệm vụ 1 lúc sẽ ngăn cản năng lực tiếp nhận thông tin có chiều sâu. Các nghiên cứu thậm chí còn khám phá ra rằng bạn sẽ bị giảm tới 10 điểm IQ khi bạn thực hiện đa nhiệm vụ.
Và nếu bạn không dùng Facebook và nghĩ là mình vô tội, thì xin nghĩ lại cho. Ta cũng biết rằng các sinh viên nào duyệt Internet lúc đang giờ học sẽ nhớ ít nội dung được giảng hơn so với những sinh viên tắt hẳn máy tính xách tay.
Facebook khiến bạn ám ảnh về bản thân
1 tập phát gần đây trong loạt phim khoa học Catalyst (Chất xúc tác) trên đài ABC, Mỹ khám phá xem tỷ lệ tự yêu bản thân gia tăng đáng kể ra sao kể từ thời xuất hiện những trang mạng xã hội như Facebook.
Tự yêu bản thân là 1 rối loạn tâm lý được định nghĩa như 1 dạng lan tỏa của sự khuếch đại bản thân, cần được ngưỡng mộ, và thiếu cảm thông. Những người tự yêu bản thân thông thường sở hữu thứ bản ngã bị thổi phồng và bị coi là vênh váo ngạo ngược.
Nghe có vẻ giống ai đó bạn quen trên Facebook đấy nhỉ? Chắc thế.
Tất cả những điều đó nói lên rằng, 1 số người lập luận Facebook và các trang mạng xã hội khác là những nền tảng khuyến khích chúng ta chia sẻ các thông tin cá nhân với rất nhiều người. Trên thực tế, Phó giáo sư Bruce McKinney thuộc Đại học Bắc Carolina Wilmington, Hoa Kỳ, khẳng định: “Nói “Nhìn tôi này!” là khả dĩ chấp nhận. giờ nó đã thành chuẩn mực xã hội rồi.”
Bạn có cảm thấy khó chịu/bứt rứt về thứ chuẩn mực xã hội mới này không?
Các nghiên cứu đã khám phá ra rằng thói tự yêu bản thân có hại cho các mối quan hệ của con người, vì những cá nhân tự yêu bản thân có xu hướng ích kỷ hơn những người khác.
Facebook có liên quan đến cô đơn và trầm uất
Bạn đã bao giờ nhìn thấy 1 dòng cập nhật trạng thái Facebook kèm với 1 câu kiểu như “Đời sao mà đẹp thế! Yêu quá yêu quá yêu quá!”?
Khả năng cao là bạn hay nhìn thấy 1 dòng trạng thái như thế hơn là 1 câu kiểu như “Thấy mệt mỏi quá. Cần giúp đỡ.” Hay là “Cuộc sống nhọc nhằn quá thể. Thực sự cảm thấy không ổn.”
Nhờ có tình trạng thừa thãi những dòng cập nhật trạng thái Facebook líu lo vui sướng và ảnh chụp mọi người trông cứ như thể họ đang trong cơn phấn khích cực độ, nhiều người trong chúng ta dần nuôi dưỡng 1 thứ nhận thức méo mó về hiện thực.
“Ai cũng hạnh phúc vui vẻ. Mình sao thế nhỉ?” Bạn có thể sẽ nghĩ thế khi bạn tự so sánh mình với 1 người bạn vừa đăng tấm ảnh anh ta/cô ta đang biếng lười trễ nải bên bể bơi ở đảo Bali.
Thực tế là bạn chẳng làm sao cả nhưng ở trong 1 môi trường ảo, mọi người có khả năng tạo ra bất cứ bản sắc nào họ muốn. Các bạn bè Facebook của bạn có toàn quyền kiểm soát hình ảnh của họ chiếu ra với cả thế gian.
Trong 1 bài báo tiêu đề “Nỗi khổ có nhiều bạn đồng cảnh ngộ hơn bạn tưởng, nhất là trên Facebook”, các nhà nghiên cứu ở Đại học Stanford cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh được rằng con người mắc những sai lầm mang tính hệ thống trong việc nhận thức đời sống của người khác, đánh giá thấp mức độ gánh chịu những cảm xúc tiêu cực ở người khác và đôi khi đánh giá quá cao mức độ cảm xúc tích cực ở người khác.”
Vậy, vấn đề là gì, nếu bạn mắc sai lầm nhận thức về đời sống của người khác? À, thế là tự bạn làm khổ mình thôi. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng những người nghĩ bạn bè Facebook của họ tích cực lạc quan hơn mình có nhiều khả năng bị cô độc, suy tư và sự hài lòng cuộc sống bị giảm sút.
Facebook gây tổn hại năng suất
Cho dù bạn có né tránh các trò chơi trên Facebook như tránh dịch hạch, thì quá rõ Facebook chính là nguồn cơn gây xao lãng chủ yếu. Mà, khổ 1 nỗi, bản chất của Facebook là gây nghiện. Thứ cảm giác phấn chấn ta có được khi nhận các bình luận và lượt “Thích” thật khó mà cưỡng lại – đến nỗi cuối cùng ta kiểm tra các bài đăng của ta thường xuyên quá mức cần thiết.
Dù ta có cố gắng phủ nhận thế nào, thì thói xao lãng gây nghiện này ảnh hưởng đến năng suất làm việc của ta. Và rõ ràng là, càng có thêm nhiều bạn trên Facebook, ta càng ít để ý đến năng suất thấp kém. Thế là không ổn chút nào.
Facebook khiến ta ăn nhiều hơn mức cần thiết
(Nói cho công bằng, Twitter và Instagram cũng gây tác động tương tự. Xét về khía cạnh này, 2 mạng đó cũng xấu xa không kém.) Không biết mọi người sẽ thấy nghiêm trọng cỡ nào, nhưng với những người có tuổi, đây đúng là 1 vấn đề.
Tất cả mọi người đều đã trải qua cảm giác bị thôi miên và những tác động cực kỳ mạnh của những thứ đồ ăn thức uống đầy khiêu khích trên Facebook, nên chắc không cần phải giải thích gì thêm. Nhưng 1 điều hầu hết mọi người không hề hay biết là chút thôi thúc ta có được từ những tương tác trên Facebook khiến ta nhiều khả năng buông thả bản thân với những thứ đồ ăn thức uống không phù hợp.
“Trong khi 1 nghiên cứu mới trên tờ Journal of Consumer Research (Tạp chí Nghiên cứu tiêu dùng) khám phá ra rằng chỉ cần 5 phút lướt Facebook ngay lập tức cải thiện lòng tự tin của bạn khi bạn tập trung vào các bạn bè thân thiết, thì,tin buồn là đây: Lòng tự tin được cải thiện lại làm giảm khả năng kiểm soát khi bạn ra quyết định, ví dụ chọn 1 món ăn vặt, ngay sau khi lướt Facebook.” Today.com
Rõ ràng là bạn sẽ khó lòng từ chối bản thân lúc đang cơn cao hứng, và sự kết hợp giữa hình ảnh đồ ăn thức uống khiêu khích + cơn đói dằn vặt sau đó + khoảng thời gian tuyệt vời trên mạng xã hội sẽ là con đường chắc chắn đẩy người dùng Facebook tới chỗ béo phì. Qúa ghê!!!
Facebook khiến chúng ta kém hài lòng về cuộc sống của mình
Như đã nói đến ở trên, Facebook có thể giúp cải thiện lòng tự tin. Nhưng, thật ngộ là, có vẻ như việc này chỉ xảy ra khi việc chơi “phây” chỉ tập trung vào trang cá nhân và các cập nhật của riêng bạn mà thôi.
Khi hoạt động của bạn tập trung vào các trang cá nhân và cập nhật của người khác, thì chuyện ngược lại hẳn. Bạn càng nhìn vào đời sống của người khác qua những cập nhật Facebook của họ bao nhiêu, thì bạn càng cảm thấy ít hài lòng về đời sống của mình bấy nhiêu.
Cảm giác này bị gọi là “ghen tị kiểu Facebook”, và, hãy tin đi, có thật đấy. Bạn có 1 cô bạn từ hồi tóc còn để chỏm, thế mà bây giờ, cô ta hình như chẳng làm gì khác ngoài du hí đến những chỗ hay ho, đi lặn biển, đi tiệc tùng này nọ, và bất cứ lúc nào bạn xem các cập nhật Facebook của cô ta, bạn cũng thấy mình đúng là thứ bết bát đáng thương, làm quá nhiều mà chẳng được nghỉ ngơi cho ra hồn.
Nhưng hình như không phải mỗi mình bạn gặp cảnh này. Những nghiên cứu mới nhất xem xét các tác động của Facebook cho thấy: cứ 3 người trả lời, có 1 người cảm thấy chán nản về cuộc sống của mình hơn sau khi dành thời gian lướt Facebook.
“1 trong những cách dễ nhất để cảm thấy bất hạnh là so bì bản thân theo kiểu thua thiệt với người khác. Khi ta lướt Facebook, ta dễ bị tổn thương bởi những tác động thái quá gây ra từ cách thể hiện cuộc sống “màu mè hồng tuyết” của các bạn bè. Cho dù ta biết rõ là các trang cá nhân Facebook thường chẳng khác gì các biển quảng cáo trên mạng xã hội, nhưng thật dễ dàng để sa vào cái bẫy so bì đời sống thật của ta với những quảng cáo người ta trưng ra về đời sống của họ.” – Psychology Today
Vì Facebook có xu hướng trưng ra những khoảnh khắc hạnh phúc và thành đạt, ta thường mắc phải sai lầm cho rằng người ta hạnh phúc hơn so với đời thực. Chắc có lẽ họ không đời nào đăng lên những bức ảnh đau đớn khốn khổ chứ, nhỉ?
Mặc dù ở mức độ nào đó, ta biết đời sống của người ta trên Facebook không phải là bức tranh toàn cảnh, nhưng thật dễ gục ngã trước thứ quảng cáo thổi phồng hạnh phúc kia. Việc này cũng không đến nỗi quá tệ nếu bạn chỉ có lác đác vài bạn bè trên Facebook, nhưng khi bạn có cả 1 đống bạn bè VÀ dành cả núi thời giờ vào Facebook, chuyện sa vào so bì hơn kém thật khó tránh khỏi!
Nên, đúng là, Facebook thì vui thật, nhưng cũng có nhiều điểm nguy hiểm. Nói vậy không có nghĩa là ngưng chơi Facebook hẳn là câu trả lời, nhưng tất cả những điểm nói đến ở trên đưa ra lập luận vững vàng là nên tiết giảm đáng kể mức độ sử dụng. Và với tất cả những điểm có lợi – và, bất hạnh thay, cũng gây hại cho bạn, thì chừng mực kiềm chế là mấu chốt.
- Gạt sang 1 bên thời giờ đổ vào Facebook, và tắt hết thông báo trên điện thoại/máy tính bảng, bạn sẽ bớt bị cám dỗ. Hạn chế số lượng cập nhật bạn xem mỗi lần lướt Facebook. Và cuối cùng, chỉ cần thoát ra khỏi Facebook và dành nhiều thời gian để tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh. Facebook thì vui thật, nhưng nó không bao giờ mang lại cho bạn toàn bộ câu chuyện. Đời thực “thực” hơn rất nhiều!
Bài viết liên quan