Không khó để lòng an yên giữa cuộc đời nhiều thử thách

Cuộc đời vui hay buồn do ta là phần nhiều. Khi hiểu được các quy luật của cuộc đời, ta sẽ thấy lòng thanh thản, không còn bám chấp, không quá buồn đau, không muốn trách giận. Chuyện gì xảy ra đối với mình không quan trọng bằng việc mình đón nhận sự việc đó như thế nào, với thái độ nào. 

lòng an yên giữa cuộc đời nhiều thử thách (2)
lòng an yên giữa cuộc đời nhiều thử thách

Tâm rộng mở, nhiều niềm vui

Chúng ta ai cũng muốn sống vui vẻ nhưng không phải ai cũng có nhiều niềm vui. Điều gì khiến một người không vui? Vật chất không phải là thứ quyết định niềm vui của một người. Mà cách suy nghĩ, sự rộng rãi trong tâm mới là thứ quyết định một người vui nhiều hay vui ít.

Một người hiểu sự đời thì có thể thanh thản, vui vẻ. Người đó hiểu rằng đa số mọi việc trong đời không đúng ý mình, vì vậy họ không kỳ vọng nhiều, nên không thất vọng nhiều. Họ chỉ cố gắng làm mọi việc tốt nhất trong khả năng của mình và tận hưởng niềm vui trong lúc làm việc. Họ cũng không đặt sự kỳ vọng ở người khác, không mong chờ người ta sẽ đối xử tốt với mình, chỉ cần mình không làm gì có lỗi với họ là được. Có thể gặp nhau là duyên, mang được niềm vui đến cho nhau thì tốt, không thì tự mình cũng có thể vui với hứng thú riêng của mình.

Một người tâm rộng bao nhiêu, niềm vui bấy nhiêu. Thấy khuyết điểm của người khác nhưng không cười chê vì họ hiểu rằng con người không ai hoàn hảo. Họ lờ đi khuyết điểm của người khác, chỉ tập trung tìm kiếm ưu điểm của người đó. Như vậy cả hai đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Mối quan hệ giữa hai người vì thế mà dễ chịu.

Người có tâm rộng sẽ không hẹp hòi, không hay để bụng. Họ cởi mở, đón nhận mọi người mọi việc với tấm lòng bao dung. Họ chấp nhận sự khác biệt của người khác, không áp đặt quy chuẩn của mình lên người khác, không áp đặt người khác phải suy nghĩ giống mình. Vì thế mà họ không khó chịu với mọi người nên lúc nào cũng có thể vui vẻ. Mọi người cũng thích ở bên người thoải mái như vậy nên không khí xung quanh họ luôn dễ chịu, nhiều niềm vui.

Bởi thế, muốn mình vui vẻ, muốn mình trẻ lâu hãy để tâm mình rộng rãi, dễ dàng chấp nhận mọi thứ. Đừng nhỏ nhen, đừng hẹp hòi, đừng để bụng, đừng để người khác dễ dàng làm mình phật ý hay tức giận. Có như thế cuộc đời bạn sẽ luôn dễ chịu, vui tươi.

lòng an yên giữa cuộc đời nhiều thử thách (3)
lòng an yên giữa cuộc đời nhiều thử thách

Cách ứng xử của người biết sống

Trong cuộc sống này có những người mà ta quý mến, nể phục, có những người mà ta không thích, khó chịu. Những người được nhiều người yêu mến, dành được nhiều thiện cảm thường là vì họ có cách sống hay, sống đẹp, tử tế, văn minh. Những người khiến người khác không có cảm tình thường là vì xấu tính, ích kỷ, có ác ý, lời nói khó nghe. Lại có những người muốn sống tốt nhưng do họ còn quá trẻ hoặc chưa có nhiều trải nghiệm, trong nhiều việc họ không biết nên làm thế nào, nên cư xử như thế nào cho đúng.

Có thể ban đầu ta có nhiều nhược điểm, còn nhiều sai sót trong quá trình đối nhân xử thế, nhưng nếu ta có mong muốn sống tử tế, muốn ngày càng tốt đẹp hơn thì dần dần ta sẽ hoàn thiện bản thân, biết cách sống, biết cách cư xử sao cho hợp lý.

Trong cuộc sống, sẽ có lúc ta gặp những người hơn mình, sẽ có lúc ta gặp người kém mình, ta phải cư xử với họ sao cho đúng? Khi gặp những người hơn mình, có thể ta sẽ cảm thấy bối rối, ngại ngùng. Ta không biết nên thân thiện hay xa cách với họ. Nếu thân thiện với những người hơn mình, liệu họ có nghĩ rằng ta xu nịnh, thấy người sang bắt quàng làm họ? Nếu xa cách với những người hơn mình, liệu ta có trở nên khó gần, thậm chí có phần vô lễ? Nếu bỏ qua cơ hội nói chuyện với những người hơn mình liệu có đáng tiếc, vì biết đâu tiếp xúc với họ ta học được nhiều điều thú vị, bổ ích.

Tiếp xúc với những người hơn mình ta nên có thái độ tôn trọng, nhưng đừng xu nịnh. Hãy nói chuyện với họ tự nhiên như nói chuyện với những người đáng trọng trong gia đình mình. Ta có sự lịch sự hoặc lễ phép nhưng thoải mái, không căng thẳng, không nghiêm trọng. Sự lịch sự hoặc lễ phép, tôn trọng với những người hơn mình là đúng, bởi họ đáng nể, họ có thành tựu, họ có những cái hay mà ta có thể học hỏi. Nhưng ta không nên căng thẳng khi tiếp xúc với họ, bởi điều đó sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái. Khi ta thoải mái sẽ khiến mọi người dễ chịu và cởi mở hơn, thân tình hơn.

Còn nếu tiếp xúc với những người kém mình thì sao? Ta có nên xa cách họ? Ta nên có thái độ gì với họ cho phù hợp? Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, hãy tự hỏi bản thân, với những người hơn mình, ta muốn họ đối xử với ta như thế nào? Những người hơn ta có thể thành công hơn ta, có tầm hơn ta, tư duy hơn ta, có những phẩm chất tốt đẹp hơn ta… Ta muốn gần gũi với những người hơn mình để học theo những điều hay, để sau này ta cũng tốt đẹp được như họ. Đương nhiên ta không muốn những người hơn mình tỏ ra xa cách với ta, hoặc chê bai ta, coi thường ta. Ta muốn họ thân thiện, dễ gần, cởi mở, thoải mái và có thể giúp ta giải đáp hoặc cho lời khuyên trước những vấn đề khó khăn ta mắc phải…

Vì vậy với những người kém hơn mình, ta cũng hãy cư xử như thế. Đừng chê trách hay coi thường những người kém minh. Hãy thoải mái, vui vẻ, cởi mở, thân thiện. Nếu họ hỏi ta những vấn đề mà ta biết, hãy giải đáp cho họ. Những người kém ta có thể họ đang trên con đường hoàn thiện bản thân mình. Hãy tạo cho họ năng lượng tích cực, hãy khích lệ họ. Nhờ thế biết đâu sau này xã hội lại có thêm nhiều người giỏi giang, đáng quý, đáng trọng.

lòng an yên giữa cuộc đời nhiều thử thách (1)
lòng an yên giữa cuộc đời nhiều thử thách

Khích lệ người khác – gieo mầm nhân ái

Bạn đã bao giờ được khích lệ khi làm việc gì đó chưa? Cảm giác của bạn lúc đó thế nào? Bạn có cảm thấy cảm kích, có cảm thấy thêm sức mạnh để thực hiện mục tiêu của mình? Hầu như việc nào cũng có khó khăn. Khó khăn của bản thân việc đó. Đôi khi khó khăn còn do sự ngăn cản của người khác. Bởi thế sự khích lệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó là nguồn năng lượng tích cực khiến ta cảm thấy thêm hào hứng để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu.

Tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được điều này. Có những người không bao giờ khích lệ người khác, họ luôn bàn lùi, luôn nói những lời yếm thế cho dù họ không có ý xấu. Nhiều khi họ chỉ nói do vô thức, vô thưởng vô phạt mà không biết những lời nói đó làm ảnh hưởng không tốt tới người khác, những câu như: “Mày thì làm được cái gì”, “Mày cứ vẽ chuyện”, “Mày cứ làm mấy việc vớ vẩn, rồi chả đâu vào đâu đâu, cứ tiếp tục làm việc hiện nay đi.”

Có những đứa con không bao giờ nhận được sự khích lệ của gia đình cho những quyết định của mình. Họ cảm thấy rất buồn vì những người thân thiết nhất lại không ủng hộ mình, đôi khi còn phản đối, giễu cợt mình. Họ ao ước nhận được sự ủng hộ, khích lệ của bố hoặc mẹ mình để có thêm sức mạnh hoàn thành mục tiêu. Nhưng cái họ nhận lại chỉ là sự đơn độc trên con đường đi của mình.

Thật may là xã hội vẫn có những người rất văn minh, biết khích lệ người khác. Họ hiểu ý nghĩa của sự khích lệ. Họ biết sự khích lệ mang lại nguồn năng lượng tích cực khiến cho người khác thêm hào hứng để đi đến đích. Những người biết khích lệ người khác thật sự rất đáng quý, đáng trọng. Khích lệ người khác là một trong những hành vi bác ái nhất.

117 views