Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đều đã một lần được nghe đến cái tên thung lũng Mai Châu. Mai Châu thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp mơ màng, nên thơ cùng với không khí núi rừng trong lành, mát mẻ và đặc biệt hơn là nét văn hóa độc đáo của người Thái bản địa. Thời tiết nơi đây quanh năm mát mẻ, vào mùa hè nhiệt độ có cao hơn đôi chút nhưng vẫn khiến du khách cảm thấy dễ chịu, do vậy bạn có thể đến thăm Mai Châu vào bất kỳ mùa nào trong năm.
1. Đến Mai Châu bằng cách nào?
Thung lũng Mai Châu cách Hà Nội khoảng 130km. Đường quốc lộ thuận tiện cho việc đi lại. Chúng ta có thể đến Mai Châu bằng cách đi ô tô hoặc xe máy.
– Cung đường: xuất phát tại Hà Nội – Xuân Mai – Lương Sơn – Kỳ Sơn – TP Hòa Bình – Cao Phong – Tân Lạc – Ngã ba Tòng Đậu – rẽ trái đi thêm 5km – thị trấn Mai Châu.
2. Đến Mai Châu ở đâu?
Ở Mai Châu, dịch vụ nhà nghỉ và homestay rất phát triển, chúng đều được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Thái. Giá phòng cũng rất hợp lý, nếu bạn ngủ theo kiểu homstay nhà sàn thì giá dao động từ 30.000 – 70.000/đêm; còn nếu bạn chọn nhà nghỉ bình dân thì giá dao động từ 150.000 – 250.000/phòng/đêm.
3. Đến Mai Châu ăn gì?
Ẩm thực của Mai Châu cũng rất phong phú, những món ngon nổi tiếng của vùng đất này phải kể đến là cơm lam ống nứa, xôi ngũ sắc, gà nướng mắc khén, “pa pỉnh tộp” (cá suối nướng), rau rừng đồ, ốc đá, cua núi,… bạn có thể thưởng thức đặc sản núi rừng với giá vô cùng hợp lý.
4. Đến Mai Châu đi chơi ở đâu?
4.1. BẢN LÁC
Bản Lác (Xã Chiềng Châu) đã manh nha trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan từ nửa cuối thể kỷ XX. Với phong trào “Sạch làng tốt ruộng”, “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, bản Lác đã sớm quy hoạch lại bản làng, đồng ruộng, đường sá, cầu cống, thủy lợi, xây dựng hương ước ứng xử cộng đồng văn hóa, văn minh, trở thành một mẫu hình “nông thôn mới”, được Chủ tịch nước vinh danh ghi nhận là một trong mười “Làng, ấp văn hóa tiêu biểu” toàn quốc và tặng Huân chương lao động.
Hiện nay bản Lác có 125 hộ đều làm các dịch vụ du lịch hoặc phục vụ du lịch. Mỗi ngôi nhà sàn truyền thống sạch sẽ, thoáng mát với các công trình phụ trợ và dịch vụ đạt chuẩn đều là một Homestay (Loại hình du lịch mà du khách ngủ nghỉ, sinh hoạt cùng gia chủ). Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở VH,TT&DL Hòa Bình đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu và tổ chức Lễ gắn biển đồng Du lịch cộng đồng đạt chuẩn Asean cho bản Lác.
Ở bản Lác, ngoài ngủ nghỉ, ăn uống trên nhà sàn, du khách còn được trải nghiệm các dịch vụ như: Giao lưu múa xòe, nhảy sạp, uống rượu cần với các đội văn nghệ của bản tại nhà chủ hoặc sân lửa trại cộng đồng; Mua khăn áo thổ cẩm, đồ lưu niệm, thưởng thức cơm lam, đồ nướng tại các hộ gia đình; Đi thăm thú các bản làng, hang động, chợ phiên bằng xe điện với trên bảy chục xe điện sẵn sàng phục vụ; Hoặc du khách có thể thuê xe máy, xe đạp hành trình khám phá các điểm xa gần.
4.2. BẢN POM CỌONG
Bản Pom Cọong (Thị trấn Mai Châu) có hơn 80 hộ, trong đó có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ Homestay và làm các sản phẩm phục vụ du lịch. Với lợi thế nằm liền kề bản Lác, cách quốc lộ 15 khoảng 300m và cách chợ trung tâm huyện khoảng một cây số, du khách ngủ nghỉ tại đây trên những ngôi nhà sàn khang trang, có thể tỏa đi thăm thú các điểm xung quanh và giao lưu văn hóa, văn nghệ tại nhà, tại sân lửa trại cộng đồng bản Lác, mua sắm hàng thổ cẩm, hàng lưu niệm tại bản cũng như các điểm khác.
4.3. BẢN VĂN
Bản Văn (Thị trấn Mai Châu) có hơn 90 hộ dân, nằm gọn gàng thấp thoáng bên chân núi Pù Văn, cách trung tâm huyện khoảng hơn một cây số. Đường vào bản Văn thẳng tắp đi giữa hai triền ruộng bậc thang, đi hết cánh đồng là bản làng với những ngôi nhà sàn gỗ nghiến, gỗ trai rộng thoáng, đậu khiêm nhường hai bên dòng suối Văn từ nguồn núi chảy ra. Tất cả đã tạo cho bản Văn một vẻ đẹp yên bình, cuộc sống con người hài hòa với thiên nhiên.
Bản Văn cũng có một số hộ làm dịch vụ kinh doanh du lịch Homestay và nhà nghỉ, có nhà trưng bày hiện vật truyền thống người Thái, có đội văn nghệ giao lưu với du khách… Ngoài ra, người dân ở đây còn trồng lúa nước, chăn nuôi, dệt vải, đan lát mà nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi được trải nghiệm với họ.
4. Xã MAI HỊCH
Cách trung tâm huyện lỵ Mai Châu hơn chục cây số là xã Mai Hịch, một địa danh đã được nhiều người biết đến trong bài thơ bất hủ của cố nhà thơ Quang Dũng “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người/ Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Du khách đến với Mai Hịch là tận hưởng cảm giác yên bình, gần gũi thiên nhiên trong lành, những bản làng quần cư hiền hòa bên chân núi hai bờ suối Xia. Đến đây, du khách sẽ trải nghiệm bộ hành trên các nẻo đường mòn, tham quan hang Pù Muống, hang di tích kháng chiến Piềng Lộng, điểm khảo cổ học hang Khoài, chèo bè mảng xuôi dòng suối Xia hoặc khám phá các bản làng thuần nông miền núi, tìm hiểu các phong tục tập quán độc đáo qua các nghệ nhân người Thái ở đây.
Xã Mai Hịch có các dịch vụ lưu trú du lịch như: Mai Chau Villas ven hồ Cha Lang, Homestay Minh Thơ, Homestay Đan Như, Homestay Thuyết Nhung ở bản Hịch 2, Homesay Quý Anh ở bản Hịch 1.
5. BẢN BƯỚC
Bản Bước (Xã Xăm Khòe) cách trung tâm huyện lỵ Mai Châu 20 cây số, từ một bản vùng sâu của huyện đã nỗ lực xây dựng lại theo dự án “Bản người Thái gắn với du lịch”. Theo đó, tất cả hơn bảy chục nếp nhà sàn xưa phải cất dỡ, di dời lên rừng cọ theo dự án quy hoạch, đường đi lối lại trong bản được bê tông hóa, giao nhau vuông vắn từng ô như bàn cờ.
Đây là nơi thích hợp cho những du khách muốn rời xa đô thị ồn ào, tìm nơi hoang sơ yên tĩnh để nghỉ dưỡng. Người Thái ở bản Bước thuộc duy nhất một dòng họ Hà, họ vẫn duy trì lối sống truyền thống, trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dệt vải thổ cẩm và đan lát đồ gia dụng. Ở đây có trên chục hộ làm kinh doanh lưu trú du lịch và một cơ sở La Maison De’ Buoc bungalows.
6. NƠI CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI MÔNG Ở PÀ CÒ, HANG KIA
Hai xã Pà Cò, Hang Kia nằm trên thung lũng núi cao, chủ yếu là người Mông thuộc hai ngành Mông xanh và Mông đỏ sinh sống, liền dải với đông đảo người Mông ở Mộc Châu, Vân Hồ thuộc tỉnh Sơn La và nước bạn Lào. Du khách lên đây có thể đi bằng ô tô, xe máy hoặc bộ hành vượt núi
Dù đi lối nào, du khách cũng sẽ vô cùng thú vị khi trải nghiệm qua những cánh rừng nguyên sinh cổ thụ, qua những vạt nương ngô bạt ngàn xanh, thơm lừng hương phấn vào mùa xuân, qua những cua đèo đá sương mờ và bỗng hiện ra dưới chân núi những ngôi nhà như tổ chim đậu lặng lẽ giữa thung vườn mận đào, đó là những bản làng của người Mông ở Hang Kia, Pà Cò.
Vào bất cứ bản nào, du khách sẽ bắt gặp một phong cách sống âm thầm chân chất nhưng nồng nhiệt hào hứng trong giao tiếp với khách của người Mông. Nếu có dịp tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ ngạc nhiên với các phong tục lạ, những tập quán độc đáo và sẽ thốt lên khâm phục sức sống bền bỉ của văn hóa một tộc người trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ.
Khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở độ cao trên nghìn mét so mặt nước biển với dải rừng nguyên sinh trải dài qua địa phận hai xã Hang Kia và Pà Cò, ở đây còn rất phong phú các loài động vật, thực vật quý hiếm. Từ lâu khách du lịch rất ưa chuộng loại hình du lịch xanh, mở các tour đi bộ dài ngày qua các cánh rừng, thăm thú các bản làng người Mông ẩn mình thấp thoáng ven các cánh rừng.
Ở cả hai xã Hang Kia và Pà Cò, có một số hộ làm dịch vụ phục vụ du lịch ở bản Hang Kia, Pà Cò, Chà Đáy, Xà Lính, tiêu biểu là Homestay Sùng Y Múa ở Hang Kia đã từng đón tiếp hàng trăm lượt du khách hàng năm.
Ở bài viết này mình đã giới thiệu với các bạn một số điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Mai Châu, bài viết sau mình sẽ giới thiệu thêm về các điểm vui chơi ở Mai Châu nhé. Chúc các bạn có một chuyến đ vui vẻ!
111 views
Mình cũng đang định sắp tới cả gia đình sẽ đi nghỉ ở Mai Châu. Đọc bài viết xong càng muốn sớm được đi.
bài viết rất hay tôi rất thích cảm ơn tác giả