Hello! Xin chào tất cả các bạn. Mình là một sinh viên mới chỉ đang học năm nhất thôi. Bạn có biết không vấn đề làm mình rất đau đầu, đau đầu hơn cả việc học hành, hơn cả việc thích nghi với môi trường đại học,… đó chính là việc quản lý chi tiêu. “Làm sao để đến cuối tháng sẽ không phải ăn mì gói cho qua bữa?”
Ta nói tháng đầu tiên của mình vô cùng tệ, mình ở Ký Túc Xá nên tiền phòng cũng không phải lo gì nhiều, chỉ trả tiền điện với nước, rất rẻ. Mẹ cho mình ba triệu một tháng, mình thấy gì cũng muốn mua hết. Trên thành phố có rất nhiều món ngon: mì cay, phở, trà sữa, bánh mì, gà quay,…món nào mình cũng muốn ăn thử cho biết. Mình cũng thích lướt Shopee, Tiki. Ôi, chúng cứ kêu bên tai mua đôi giày này đi, mua cái váy này nè,…vậy nên tiếp tục tốn thêm tiền.
Chỉ mới mười mấy ngày mà ba triệu đã…ra đi và “không bao giờ quay trở lại”. Mình đã gọi về cho mẹ…”Mày làm cái gì mà hết tiền rồi? Biết tao ở nhà làm cực khổ lắm không? Tiết kiệm tiền chút đi con cho mẹ nhờ!” Thế là mẹ đã bày cho mình bảy bảy bốn chín cái cách để tiết kiệm, chi tiêu hợp lý hơn. Mình hy vọng bài viết này có thể giúp cho các bạn sinh viên nào đang gặp khó trong việc chi tiêu sẽ có cách phù hợp giải quyết cho vấn đề của mình.
1. Xác định mục tiêu rõ ràng: “Bạn tiết kiệm tiền để làm gì?” Hãy trả lời nó trước.
Tiết kiệm có thể hiểu nôm na là bạn tích góp từng chút một tiền của mình hay để dành tiền mà mình không có nhu cầu sử dụng. Tiết kiệm là thói quen tốt rất cần được thực hiện và duy trì, đây là một trong những bài học giúp bạn sống tự lập đấy.
Có nhiều lý do khiến bạn tiết kiệm tiền, đó có thể là mua một món đồ mà mình yêu thích, tiết kiệm để đi du lịch hay tiết kiệm vì nó là sở thích,… Nói chung bạn cần có mục tiêu rõ ràng mình tiết kiệm tiền là vì cái gì và quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Đó là yếu tố then chốt giúp bạn có động lực hay không để tiết kiệm tiền cho mình. Chúng ta một khi làm gì thì cũng phải xác định cho bản thân một mục tiêu hướng tới, vì nó mà quyết tâm, nổ lực hết mình như thế mới có thể thành công được.
Đặc biệt là khi bạn muốn tiết kiệm tiền nhưng không có mục tiêu rõ ràng bạn rất dể chán nản và bỏ cuộc. Như vậy, ngay từ lúc ban đầu xác định cho mình một mục tiêu, tự kỉ ám thị với bản thân rằng mình sẽ làm được thì bạn sẽ làm được.
2. Phân chia tiền hợp lý: Chi tiền cho những khoản nào? Chi bao nhiêu cho đủ?
Vấn đề này rất quan trọng nha, việc phân chia số tiền bạn có thành những phần tiền khác nhau và tiền đó dùng vào cho việc gì sẽ giúp cho bạn có cái nhìn tổng quát nhất trong việc chi tiêu tiền của bạn đấy. Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống của bạn khiến bạn phải chi. Chẳng hạn như tiền phòng, tiền điện nước, tiền ăn uống, tiền cho việc đi chơi hội họp bạn bè những buổi tiệc sinh nhật, tiền dự phòng (tiền này dùng phòng khi bạn găp sự cố, đau ốm hay trong giai đoạn bạn gặp khó khăn)-cuộc sống mà ta đâu lường trước được những bất ngờ.
Lập ra những thứ bạn cần phải chi càng chi tiết càng tốt và phân chia tiền sao cho hợp lý, phù hợp với số tiền bạn đang có. Nếu bạn là sinh viên, bạn có bốn triệu một tháng thì bạn sẽ chi nó như thế nào? Mình bày cho bạn nhé! Cứ theo trên mà làm thôi. Tiền phòng: cho trung bình là 1,5 triệu/tháng (nếu bạn ở trọ), tiền điện nước: khoảng năm trăm nghìn/tháng, tiền ăn uống: 50 nghìn/ngày thì một tháng là 1,5 triệu, tiền cho việc tham gia các hoạt động khác và tiền dự phòng là bốn trăm nghìn, một trăm còn lại thì “cho heo ăn”. Có câu: ‘tích tiểu thành đại’ đến một lúc bạn sẽ bất ngờ với số tiền tiết kiệm mình có đó nha.
Việc phân chia trên chỉ là trên giấy thôi, điều quan trọng là bạn có đủ dũng cảm vượt qua cám dỗ của đồ ăn hay mua sắm không để thực hiện chi tiêu y như kế hoạch đã vạch ra. Các bạn cố lên nha! Vì một tương lai cuối tháng không ăn mì gói qua bữa.
3.Bỏ ống heo: Tiết kiệm từ những đồng tiền lẽ, thói quen tốt cần học ngay.
Một chú heo đất nhỏ nhắn, xinh xắn, đáng yêu mà chỉ có hai ba chục nghìn, hãy đầu tư một chú nhé. Chú heo đất sẽ là nơi cất giữ giùm tiền cho bạn, không chỉ thế nó còn cất cả công sức mồ hôi nước mắt của bạn đấy. Hãy thực hiện công việc này hằng ngày nhé, đừng để chú heo của bạn bị đói. “Bỏ ống heo là một cuộc chiến, người bỏ ống heo là một chiến binh”. Dũng cảm chiến đấu vượt qua cám dỗ của đồ ăn hay sự quyến rũ của mấy chiếc đầm mà để tiền đó cho heo “ăn” thì bạn đã chiến thắng chính mình rồi đấy. Hãy là một chiến binh dũng cảm nhé!
4.Một cuốn sổ ghi chép: Ghi lại những thứ muốn mua và mua đúng theo danh sách đã liệt kê.
Ghi lại những câu nói hay bạn nghe được, một sự kiện quan trọng, điều làm bạn ấn tượng trong ngày, những người bạn đã gặp,…nói chung cuốn sổ này rất đa năng. Bạn phải có một cuốn, lúc nào cũng mang theo bên mình. Đặc biệt nó vô cùng quan trọng trong hành trình quản lý chi tiêu đấy. Ghi lại những thứ muốn mua, mua đúng theo danh sách đã liệt kê. Ghi lại những cái bạn đã chi, chi cho cái gì, chi bao nhiêu, chi như thế có hợp lý không,… dựa vào đây bạn có thể xem xét việc chi tiêu của mình một cách khách quan nhất, có thể so sánh giữa tháng này với tháng trước xem mình đã làm những gì, mua cái gì.
5.Cái gì đáng thì mua: Nói KHÔNG với những món đồ “linh tinh”.
Mẹ mình luôn nói điều này với mình, cái gì thật sự cần thiết thì nên mua chứ đừng gặp cái gì vừa mắt thì mua mua một cách vô tội vạ. Mua xong lại không dùng, cho nó đóng mốc trong ngăn tủ như thế rất phí.
Vậy cái gì là thật sự cần thiết? Cái này tùy mỗi người thôi, chẳng hạn khi đi dự sinh nhật bạn thân của bạn, tiệc đãi ở nhà hàng sang trọng thì bạn cũng cần có một bộ đồ ra hồn đúng không? Lúc này cần thiết phải chi. Những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày như kem đánh răng, xà bông, dầu gội, nước rữa chén,… những món này cần cho sinh hoạt hằng ngày của bạn, nó thật sự cần thiết trong sinh hoạt. Phải chi.
Quần áo chỉ cần gọn gàng, sạch sẽ tươm tất, phù hợp thoải mái với cơ thể là được. Không nên mua quá nhiều đồ, bởi nó rất dể lỗi mốt với lại chúng ta cũng chỉ có thể mặc một bộ thôi thì cần gì mua cho lắm vô xong lại cho nó “ngủ” trong tủ. Giày dép cũng vậy nên mua loại có thể mang lâu bền, phù hợp với đôi chân.
Khi mua món gì thì điều đầu tiên là nên cân nhắc, đắn đo kỹ lưỡng xem mình có cần hay không, mình có đủ khả năng chi trả hay không. Mua đồ thì nên lựa cửa hàng có tên tuổi để không phải mua nhằm hàng giả, hàng nhái. “Không mua thì thôi chứ mua thì phải mua đồ tốt xài cho được lâu.”
6. “Có làm mới có ăn”: Tự mình làm ra tiền và sử dụng số tiền ấy.
Mình nghĩ các bạn sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập để phụ cho cha mẹ, các bạn ấy thường chọn đi làm thêm. Mình cũng ủng hộ việc này, nó sẽ giúp các bạn có thêm trãi nghiệm với cuộc sống và đặc biệt có thêm tiền để chi tiêu thoải mái hơn, không cần tháng nào cũng trông chờ tiền từ cha mẹ gửi lên. Bằng công sức của mình làm ra tiền và sử dụng tiền đó, cảm giác rất tuyệt, bạn sẽ yêu quý đồng tiền hơn. Khi mua cái gì cũng sẽ cân nhắc kỹ bởi lúc đó bạn sẽ hiểu được tiền làm ra rất khó.
7. “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt thành công.”
Mình biết đã là sinh viên thì ai cũng có những vấn đề với tiền bạc, mình cũng đã chứng kiến bạn bè xung quanh mình và ngay cả mình cũng đã từng ăn mì gói cho qua bửa. Quả thật ăn uống như thế là không hợp lý và nó gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta. Hãy quản lý tiền cũng như cuộc sống của mình thật tốt, đừng để sức khỏe của bản thân bị ảnh hưởng nhé.
Trưởng thành từng ngày, sống độc lập không để cho cha mẹ phải lo lắng, ngay từ bây giờ hãy học, học từ những điều nhỏ nhất. Quản lý chi tiêu một cách hợp lý, biết sống tiết kiệm là những bước đầu tiên bạn dần hoàn thiện mình. Chúc các bạn hoàn thành chặng đường đại học một cách tốt đẹp, thực hiện được ước mơ của mình. Có một cuộc sống thật thoải mái không phải lo lắng gì về tiền bạc. Chi tiêu phù hợp nè, sau khi ra trường thì chú “ủn ỉn” sẽ thật mập mạp, mua được những món đồ mình yêu thích. “Muốn chi tiêu hợp lý? Tiết kiệm là thượng sách, cuối tháng bạn sẽ không phải…xơi mì gói.” Cố lên! Nhất định các bạn sẽ làm được.
5 views
Bài viết liên quan