Biếng ăn là tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau: trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn, hoặc bố mẹ cho ăn không chịu ăn nhưng người khác cho ăn lại ăn…
Bạn đang lo lắng khi bé yêu của mình rơi vào tình trạng này và không biết phải làm sao?
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra biếng ăn ở trẻ cũng như cách khắc phục:
1. Nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là do thiếu ăn.
- Người mẹ khi mang thai thiếu ăn (thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin…). Dẫn tới trẻ bị thiếu ăn ngay từ trong bụng mẹ và suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ.
- Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh.
- Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài.
- Với trẻ lớn hơn cũng xảy ra tình trạng như vậy. Dẫn tới tình trạng này cũng do thiếu ăn (khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất) dẫn tới thiếu vitamin D, thiếu vitamin C, vitamin nhóm B, thiếu Magiê, đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm cho trẻ rất biếng ăn…Khi cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn.
2. Nguyên nhân thứ hai là khi trẻ ốm.
Khi trẻ ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá (viêm dạ dày, viêm ruột…). Khi đó trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magiê, B6, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn. Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá, nên trẻ bị chướng bụng, khó tiêu, càng dễ biếng ăn.
3. Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn.
Thường một đôi tuần đầu mới ăn bổ sung thì trẻ ăn rất ngon miệng, sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magiê bị thiếu hụt.
Một số nguyên nhân khác nữa như trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt, hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.
4. Thức ăn không hợp khẩu vị cũng làm cho trẻ biếng ăn.
5. Cuối cùng một số trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý.
Khi trẻ bị ốm, mọc răng… trẻ dễ bị biếng ăn. Chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian cho nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các cháu sợ bữa ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát cơm là trẻ quay đi, trẻ lớn hơn thì chạy trốn. Một số cháu không ăn để “chống đối” cha mẹ.
Cách khắc phục tình trạng biếng ăn:
1. Không ép ăn khi con không đói
Nếu bé không cảm thấy đói, bạn không nên ép ăn hay dỗ ngọt để bé ăn một loại thực phẩm nhất định hoặc phải ăn hết tất cả những thứ có trong đĩa. Điều này chỉ làm cho bé cố ăn những món mình không thích. Thêm vào đó, bé sẽ có cảm giác bực bội mỗi khi đến giờ ăn và không nhận biết được khi nào mình đói hay no.
Bố mẹ nên chia nhỏ bữa ăn ra và để con ăn thoải mái. Mẹo nhỏ là bạn có thể cho con ăn ít thôi để tạo cảm giác thèm ăn cho con và khiến con phải đòi ăn thêm nữa.
2. Đặt ra lịch trình
Hãy đặt khung thời gian mỗi ngày cho bữa chính và đồ ăn nhẹ. Đôi khi, con vẫn có thể bỏ bữa ăn một lần nhưng nếu có lịch trình, bé sẽ biết khi nào đến bữa ăn tiếp theo. Nếu con muốn ăn vặt, bạn hãy cho bé dùng những món như trái cây, rau, sữa chua, bơ đậu phộng, ngũ cốc để tránh no bụng không ăn được.
3. Kiên nhẫn cho bé ăn những loại thực phẩm mới
Trẻ nhỏ thường có thói quen ngửi mùi một món nào đó rồi mới ăn. Chúng có thể sẽ nếm thử bằng cách cho một mẩu nhỏ vào miệng và sau đó lại lè ra. Lúc này, bố mẹ nên cho bé cảm nhận về màu sắc, hình dáng và mùi thơm của món ăn chứ không phải dỗ dành bé rằng món này có ngon hay không. Một mẹo nữa là bạn nên cho con ăn thực phẩm mới kèm với món ăn mà bé yêu thích.
4. Tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn
Bạn có thể cho bé ăn bông cải xanh hay các loại rau khác cùng với nước sốt yêu thích của bé. Ngoài ra, những món ăn thường dùng vào buổi sáng cũng có thể được ăn vào buổi tối. Việc trang trí thức ăn thành nhiều hình dáng ngộ nghĩnh, đa dạng, nhiều màu sắc rực rỡ cũng kích thích sự thèm ăn của bé.
5. Nhờ con giúp đỡ
Khi đi chợ, bố mẹ có thể nhờ con phụ mình lựa chọn các loại trái cây, rau củ. Thêm vào đó, nếu bạn khuyến khích bé giúp rửa rau, hoặc sắp xếp bàn ăn thì con cũng hứng thú hơn với những món ăn mà mình chuẩn bị.
6. Làm tấm gương cho bé
Bé yêu thường có thói quen chọn thức ăn giống với bố mẹ. Cách tốt là bố mẹ nên thể hiện con thấy rằng bạn thực sự thích những món ăn được chế biến từ rau và hãy làm điều đó thường xuyên. Vì vậy, bố mẹ hãy là “tấm gương” tốt cho bé nhé!
Bên cạnh đó, bữa ăn gia đình cũng là thời điểm tốt để dạy cho bé về giá trị dinh dưỡng của rau củ có trong bữa ăn. Nếu bé thấy các thành viên ăn các món chiên xào, cà ri, món nướng hay mỳ Ý ngon miệng hơn khi dùng kèm với rau, khi đó bé sẽ làm theo.
7. Sáng tạo món ăn cho bé
Bạn hãy thử cho thêm bông cải xanh cắt nhỏ hay một ít ớt chuông xanh vào sốt spaghetti, trên cùng là ngũ cốc và một vài lát trái cây xắt mỏng để tạo cảm giác mới mẻ cho bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể sáng tạo thêm bằng cách kết hợp bí đỏ và cà rốt trong các món hầm và súp.
8. Giảm sự phân tâm của bé khi ăn
Nên tắt tivi và các thiết bị điện tử khi bé ăn thì con sẽ tập trung vào việc ăn uống hơn. Bạn hãy nhớ rằng, các quảng cáo trên tivi có thể khiến bé muốn ăn thực phẩm nhiều đường và ít dinh dưỡng.
9. Tránh thưởng cho bé những món bánh tráng miệng
Bạn không nên treo phần thưởng khi con ăn ngoan bằng những món tráng miệng hấp dẫn như bánh, chè. Điều này sẽ làm bé nghĩ rằng món tráng miệng là tốt và sẽ càng muốn được ăn nhiều đồ ngọt hơn. Cách tốt nhất là bố mẹ chỉ nên cho con ăn bữa tối tráng miệng bằng các thực phẩm lành mạnh như sữa chua, trái cây…
10. Dành những lời khen cho bé
- Nếu bố mẹ dành những lời khen tặng khi con chịu ăn rau, bé sẽ muốn ăn thêm lần nữa để tiếp tục được khen.
- Để phát huy tác dụng của lời khen, bạn nên giải thích cho con hiểu bé đã làm tốt như thế nào. Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “ Ồ! Con đã ăn bí đỏ và bông cải xanh rồi kìa, giỏi quá!”.
- Mục đích dành lời khen là để khuyến khích bé ăn rau chứ không phải ăn để bé được khen. Do đó, bạn không nên dành lời khen quá nhiều cho con.
- Việc đưa ra hình phạt khi bé không chịu ăn rau sẽ biến rau thành điều đáng sợ với bé. Nếu bé cứ từ chối không chịu ăn, bạn không nên nổi nóng. Tốt nhất là cất đồ ăn đi khoảng 20 phút rồi sau đó cho con thử ăn lại một lần nữa.
Bạn nên nhớ rằng thói quen ăn uống của con sẽ không thay đổi ngày một ngày hai. Hãy thực hiện từ từ từng bước một để tạo cho con thói quen ăn uống lành mạnh nhé!
179 views
Bài viết liên quan