Nhiều người vẫn đang tranh cãi về vấn đề Có hay Không nên tiếp tục sử dụng các thực phẩm khi đã bị mốc. Có ý kiến cho rằng một khi đồ ăn đã bị mốc, dù ít hay nhiều thì các độc tố đã lan hết ra toàn bộ thực phẩm nên cần loại bỏ. Một số khác lại chỉ ra rằng nhiều người trên thế giới đang lãng phí thực phẩm khi vội vàng vứt bỏ đồ ăn bị mốc. Đã bao giờ bạn thấy đồ ăn bị mốc nhưng lại tiếc không muốn bỏ đi, bạn tự hỏi liệu có ổn không khi gọt bỏ phần mốc và ăn tiếp? Hay có khi nào bạn thắc mắc vì sao người khác ăn đồ bị mốc mà vẫn không bị làm sao? Vì vậy, bài viết này sẽ tổng hợp lại một số hướng dẫn giúp bạn giải đáp cho điều này.
Những điều cần biết về nấm mốc
Nấm mốc là những loại nấm rất nhỏ, sống trên thực vật, động vật, đồ đạc và thậm chí là cả trên những tòa nhà. Mốc hình thành những nhánh giống như những sợi chỉ mỏng, gọi là sợi nấm. Chúng gây ra sự phân hủy các vật chất tự nhiên, có thể đào sâu vào thức ăn và khiến bạn có thể bỏ qua vì rất khó để nhìn thấy.
Có đến hơn 300.000 loại nấm mốc và chúng có thể tác động đến bạn bằng nhiều cách khác nhau: nhiều loại có thể gây tiêu chảy, buồn nôn,… 1 số lại được dùng để sản xuất ra những loại phô mai đắt tiền hay các loại thuốc chữa bệnh; nhưng lại có những loại gần như có thể giết chết bạn. Nhiều loại nấm mốc còn có thể sống sót ở điều kiện khắc nghiệt chẳng hạn như những vùng đất bị tuyết bao phủ ở Nam Cực, điều kiện đông lạnh, những dung môi có tính axit cao, xà phòng kháng khuẩn và kể cả những sản phẩm từ xăng dầu hay dưới nhiệt độ và áp suất cao. Tuy nhiên chúng đều có 1 điểm chung là cần có hơi ẩm để phát triển, ngoại trừ mốc Xerophile – một loại mốc có thể sống trong môi trường khô, mặn hay có đường.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ăn phải đồ ăn bị mốc
Vấn đề không phải nằm ở nấm mốc mà là những thứ chúng mang theo mới thực sự làm hại bạn. Đầu tiên là những vi khuẩn có thể bổ trợ cho nấm mốc. Nếu ăn phải những loại vi khuẩn này, bạn có thể sẽ bị đau dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa. Nhưng điều này vẫn không thể so sánh được với tác hại từ việc ăn phải Mycotoxin – độc tố nấm mốc. Đây là một chất độc có trong 1 số loại mốc nhất định, chúng có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và có thể sống sót qua hầu hết cách chế biến. Việc tiếp xúc liều cao với Mycotoxin sẽ gây ra các vấn đề về thần kinh và 1 số trường hợp tử vong.
Có rất nhiều loại độc tố nấm độc (khoảng 500 loại), có lẽ loại nguy hiểm nhất là Aflatoxin – loại này thường có trong nấm mốc mọc trên ngô và các loại đậu hạt. Hấp thụ quá nhiều Aflatoxin có thể gây tổn thương gan, ung thư, tổn thương ADN và làm suy giảm hệ miễn dịch. Bất kỳ loại động vật nào cũng có thể nhiễm độc tố Aflatoxin. Người trưởng thành thì có sức đề kháng khỏe hơn nên khả năng chống chịu tốt hơn, còn đối với trẻ em thì khi ăn phải thực phẩm chứa nấm mốc Aflatoxin thì sẽ phát triển và tăng trưởng chậm.
Những loại nấm mốc mọc trên đồ vật, tường nhà còn gây ra các vấn đề như mắt bị kích thích và chảy nước, ho mãn tính, đau đầu hoặc nhức nửa đầu, khó thở, ngứa ngáy, mệt mỏi, các vấn đề về xoang, nghẹt mũi và chảy mũi thường xuyên.
Mặt khác, không phải loại nấm mốc nào cũng có hại. Có thể kể đến các loại mốc xanh như Penicillium roqueforti hay Penicillium glaucum,… là những loại nấm được dùng để sản xuất phô mai hay thuốc kháng sinh penicillin. Những loại nấm này có các tính chất kháng khuẩn, giúp chúng ngăn chặn các mầm bệnh và giúp phân hủy protein.
Cách xử lý đồ ăn bị mốc
Nếu thấy nấm mốc trên các loại đồ ăn mềm như sữa chua, mứt, hoa quả, bánh mỳ hoặc trên các loại đồ ăn khô (mực khô, cá khô, bò khô,…) thì nên vứt bỏ ngay lập tức. Vì kết cấu của các loại thực phẩm này khá mềm, ẩm, hoặc chứa nước khiến cho các tế bào nấm dễ lan rộng. Hơn nữa, nấm mốc xuất hiện ở những loại thực phẩm này thường là những loại đặc thù, chứa độc tố, dù được rửa sạch và chế biến ở nhiệt độ cao thì cũng chỉ làm chết nấm chứ không ảnh hưởng đến độc tố hóa học.
Nhưng nếu thấy mốc trên các thực phẩm khô và cứng hơn như cà rốt, ớt, phô mai, hay xúc xích Salami khô, đùi lợn muối,… thì có thể cắt phần bị mốc và tiếp tục sử dụng phần còn lại. Khoảng cách an toàn khi cắt bỏ phần bị mốc là khoảng 2,5cm. Vì nấm mốc khó xâm nhập được vào các loại thức ăn cứng, có kết cấu đặc, đồng nghĩa với việc chúng không thể lan rộng nhanh như trên các loại thực phẩm mềm. Tuy nhiên nếu thấy xuất hiện mốc quá nhiều hoặc có hiện tượng chảy nước, mềm nhão, có mùi thì nên vứt bỏ hoàn toàn.
Đối với cơm, nếu như bạn chỉ ngửi thấy hơi có 1 chút mùi nhẹ và ướt phía viền ngoài tiếp xúc với vật đựng thì cũng nên bỏ hoàn toàn vì lúc này cơm đã bị lên men và có chứa vi khuẩn nấm mốc.
Nói tóm lại, việc gặp phải thức ăn bị mốc là chuyện dễ gặp trong cuộc sống, điều quan trọng là bạn cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định để có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Không phải lúc nào cũng vội vứt bỏ hết các đồ ăn có dấu hiệu bị mốc, nhưng cũng không phải đồ ăn nào cũng có thể “tái chế” khi bị mốc được. Đảm bảo cho sức khỏe nhưng cũng không nên quá lãng phí. Tốt nhất là nên chú ý đến vấn đề bảo quản thực phẩm và thời gian sử dụng của từng loại thực phẩm để đảm bảo tốt nhất các chất dinh dưỡng mà cơ thể hấp thu. Nấu vừa đủ ăn, tránh để tồn đọng thức ăn cũng như hâm nóng lại nhiều lần. Đừng ngại ngần chia sẻ vấn đề này đến người thân xung quanh để giúp họ tránh được những mối nguy hại đến sức khỏe.
710 views
Pingback: Top 10 Bánh Tráng Bị Mốc - indembassyhavana