Phải làm gì nếu bạn đang quanh quẩn trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc?

Lúc còn bé, chúng ta thường được nghe chuyện cổ tích về những mối tình đẹp, với những chàng hoàng tử và nàng Bạch Tuyết sống hạnh phúc với nhau đến cuối đời. Nhưng khi lớn lên, chúng ta biết rằng thực tế không phải như vậy. Hiện nay, tỷ lệ ly hôn cao chưa từng có, và điều dường như chỉ có trong tưởng tượng lại đang xảy ra với rất nhiều người. Thậm chí nếu bạn đang ở trong một cuộc hôn nhân tương đối hạnh phúc, thì có thể mọi thứ vẫn không hoàn hảo như bạn mong muốn ban đầu. Với một số người, họ nhận thấy bản thân đang ở trong một cuộc hôn nhân hết sức bất hạnh. Tôi biết cảm giác ấy như thế nào, vì chính tôi cũng đã từng trải qua cảm giác ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ly hôn, nhưng điều ấy đã xảy ra. Việc đó không thể nói lên rằng tôi đã không cố gắng. Tôi đã cố gắng. Thực sự đã cố gắng rất nhiều. Nhưng đôi lúc, điều đó không có ý nghĩa gì cả. Nhưng điều này không có nghĩa rằng cuộc hôn nhân của tôi không hạnh phúc thì cuộc hôn nhân của bạn cũng như vậy.

Trước khi bạn đọc danh sách những việc cần làm bên dưới, có một điều mà tôi cho rằng là cực kỳ quan trọng. Đó là cả hai người cần phải đầu tư 100% cho việc tái xây dựng cuộc hôn nhân. Nếu chỉ có một người nỗ lực, sẽ không thể đi đến kết quả mong muốn được. Và đó chính là những gì đã diễn ra với tôi. Tôi cảm thấy rằng bản thân đã cố hết sức để làm những gì có thể, nhưng anh ấy lại không thực sự cam kết với những điều đã hứa. Và thậm chí nếu cả hai bạn đồng ý nỗ lực, kết quả cũng có thể không phải là viễn cảnh các bạn mong muốn nhất. Bởi vì cả hai bạn phải đặt trọn vẹn trái tim vào cuộc hôn nhân và đón nhận bất cứ thay đổi nào có thể xảy ra.

Dưới đây là danh sách những việc các bạn có thể làm để tìm lại chính mình và cứu vãn cuộc hôn nhân:

1. Cần tôn trọng và ưu tiên nhu cầu của đối phương, hoặc ít nhất, nhu cầu của cả hai phải cân bằng với nhau

Như đã nói ở trên, cả hai người cần phải cam kết 100% để xây dựng lại mối quan hệ, cả hai cần đặt nhu cầu của đối phương lên trên. Hoặc ít nhất nhu cầu của bạn và đối phương phải cân bằng với nhau.

Bạn thấy đấy, đây là những gì đã xảy ra trong cuộc hôn nhân của tôi. Tôi cảm thấy dường như ưu tiên hàng đầu của anh ấy là nhu cầu của bản thân anh ta và anh ấy không hề quan tâm đến tôi. Mặc dù tôi đã cố gắng đặt anh ấy làm ưu tiên, nhưng anh ấy không làm điều ngược lại. Và điều đó không ổn với tôi.

2. Không để vấn đề của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái

Rất nhiều cặp đôi mắc lỗi này khi họ cãi nhau trước mặt con cái. Đây chính là điều tồi tệ nhất bạn gây ra cho con của mình. Hành vi này không chỉ khiến những đứa con thấy mất đi sự an toàn, mà còn kéo bọn trẻ vào rắc rối của người lớn mà chúng không hề liên quan.

Hãy giữ cho vấn đề chỉ gói gọn trong phạm vi của cha mẹ, và dù cho bạn làm bất cứ điều gì, đừng lôi kéo con cái vào cuộc.

Ảnh minh họa Nguồn Care
Ảnh minh họa (Nguồn Care.com)

3. Tìm ra nguyên nhân khiến bạn không hạnh phúc

Đôi lúc chúng ta cứ quanh quẩn với cảm giác không hạnh phúc nhưng không biết nguyên nhân thực sự bắt nguồn từ đâu. Bạn biết rằng có điều gì đó không ổn, nhưng lại không ngồi xuống để tìm ra nguyên nhân chính xác là gì. Vì thế, nếu bạn chưa từng làm đó, hãy làm ngay bây giờ. Hãy trả lời câu hỏi: Điều gì thực sự khiến bạn không hạnh phúc? Bạn muốn thay đổi điều gì để trở nên hạnh phúc hơn?

Khi nhìn vào danh sách, bạn có thể nhận ra rằng một vài nguyên nhân thì nhỏ nhặt và không đáng kể. Có thể có, hoặc có thể không. Nhưng ít nhất, bạn cũng biết nguyên nhân là gì.

4. Lập danh sách đâu ra trách nhiệm của bạn, đâu là trách nhiệm của người bạn đời

Tôi biết rằng có thể bạn muốn đổ hết trách nhiệm và lỗi lầm cho đối phương, nhưng hãy nhớ rằng, nếu một vấn đề có liên quan đến hai người thì cả hai cần phải hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề đó.

Thông thường, không có mối quan hệ nào cũng được hình thành hoặc bị phá vỡ chỉ bởi một trong hai người. Trong trường hợp của tôi, tôi biết rằng bản thân tôi hay bực bội, phẫn uất vì sự thiếu nỗ lực trong hôn nhân của anh ấy. Và khi tôi càng oán giận hơn, tôi đã rút lui một cách vô cảm. Tôi chắc chắn rằng điều này cũng không tốt đẹp gì với anh ấy. Chúng ta đều là một phần trong mối quan hệ. Vì thế hãy bình tĩnh ngồi lại, và làm rõ trách nhiệm của đôi bên.

5. Nói với người bạn đời về nỗi lo âu của bạn

Giờ đây là lúc bạn cần làm rõ mọi thứ trong đầu bạn, bạn sẵn sàng nói chuyện với đối phương. Không dễ để làm điều này, bạn có thể thậm chí không muốn nói, nhưng việc trao đổi này là cần thiết.

Bạn không thể thay đổi những thứ mà bạn không định hình được chúng. Hãy mang theo danh sách liệt kệ những mối bận tâm của bạn và nói về chúng. Mục đích của danh sách này không chỉ là viết những suy nghĩ của bạn ra giấy, nhưng còn là để có một lộ trình rõ ràng cho cuộc nói chuyện của bạn. Và thứ bạn có là một sự rõ ràng, chứ không phải chỉ dựa trên trí nhớ của bản thân.

6. Nỗ lực đưa ra những cam kết

Sau khi bạn nói lên những nỗi lo của mình, hãy để người bạn đời của bạn lên tiếng. Tôi chắc chắn rằng họ cũng có những lời phàn nàn giống như bạn. Cũng có thể họ không nói gì với bạn cả. Nếu họ không đưa ra bất kỳ quan điểm nào, hãy cho họ thời gian để lập nên một danh sách giống như bạn và ngồi lại với nhau một lần nữa.

Cả hai cần trao đổi với nhau cách hợp lý và có lý trí về tất cả các vấn đề. Bạn không nên quá bảo thủ, cũng đừng quá cảm xúc, hoặc gây gỗ, vì những thứ đó sẽ khiến cuộc nói chuyện không mang lại kết quả. Hãy cố gắng tìm những điểm chung và đưa ra những cam kết cho nhau.

Ảnh minh họa Nguồn freepik2
Ảnh minh họa (Nguồn freepik.com)

7. Lập một bản cam kết cùng với các yêu cầu

Có thể bạn sẽ cảm thấy việc này việc tầm thường và không cần thiết, nhưng khi các bạn đã thống nhất các cam kết với nhau, hãy viết cụ thể ra. Hãy xem như đây là một hợp đồng hợp pháp, ràng buộc giữa hai bạn. Chẳng hạn như người chồng đồng ý làm các việc a, b, c… và người vợ sẽ làm các việc x, y, z… nhằm hướng đến mục đích chung là thay đổi mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Và sau đó cả hai cùng thực hiện và kiểm tra để đảm bảo các bạn đi đúng hướng.

8. Chờ xem cả hai cùng thực hiện cam kết

Thay đổi là điều không dễ dàng với hầu hết nhiều người. Bất kỳ ai từng muốn ăn kiêng và tập gym để giảm cân đều hiểu rõ điều này. Điều này cũng đúng với tất cả các thói quen. Vì thế, hãy cho nhau thời gian và quan sát sự thay đổi ở bản thân và đối phương. Thông thường, thời gian đầu của sự thay đổi có thể diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó họ có thể bắt đầu quay lại con đường cũ. Thế nên, hãy chờ và cùng quan sát cả hai đang thực hiện những thay đổi như thế nào.

9. Nỗ lực một lần nữa nếu cam kết bị phá vỡ

Nếu sau một thời gian, không có gì thực sự thay đổi, hãy thử lại một lần nữa. Thay đổi thực sự là một quá trình dài và vì vậy bạn cần chờ đợi và tiếp tục cố gắng.

10. Tìm một liệu pháp tâm lý để hỗ trợ nếu không có sự thay đổi

Tại một số thời điểm, bạn có thể cần tìm đến một chuyên gia tâm lý hôn nhân để giúp đỡ. Nhiều người không thể tự thay đổi, và họ cần đến một chuyên gia để giúp đỡ. Trên thực tế, nếu bạn cho rằng không thể thực hiện các bước từ 3 đến 9, bạn có thể bắt đầu từ việc tìm đến một chuyên gia trước. Một số người phản đối các liệu pháp tâm lý, và một số khác thì không có đủ điều kiện, vì thế, đó là lý do tôi đưa ra lộ trình gồm các bước từ số 3 đến 9. Hãy nhớ rằng, việc nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý là dấu hiệu của sức mạnh, không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối.

Ảnh minh họa Nguồn pinterest
Ảnh minh họa (Nguồn pinterest.ch)

11. Trao đổi với người bạn đời và đảm bảo họ đồng ý thử những đề nghị của chuyên gia tâm lý

Người chồng trước và tôi cũng đã tìm đến chuyên gia tâm lý, tôi đã thực sự không thấy hiệu quả cho chúng tôi bởi vì anh ấy đã không cố gắng hết sức. Tôi không có ý đổ lỗi cho anh ấy – nhưng đó là chính anh ấy. Anh ấy là một người tốt, nhưng anh ấy không biết cách làm thế nào tạo ra những thay đổi trong bản thân mình để làm cho cuộc hôn nhân của chúng tôi hạnh phúc hơn. Tôi tuân theo tất cả những đề nghị của chuyên gia, nhưng anh ấy thì không muốn. Vì thế, nếu bạn gặp tình trạng tương tự, hãy trao đổi với đối phương, và cố gắng khiến họ nghiêm túc hơn.

12. Cân nhắc việc rời nhau một thời gian và/hoặc lập một thỏa thuận khác

Nếu vẫn không có kết quả sau những thử nghiệm, cả hai có thể cân nhắc việc sống xa nhau một thời gian. Đôi lúc thật sự đáng tiếc sau khi bạn đã thử mọi cách để thay đổi và làm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn nhưng vẫn không có hiệu quả. Và đó là những gì đã xảy ra với tôi trước đây. Và nếu bạn chọn ly thân hoặc ly hôn thì không có gì xấu hổ cả.

Tôi không coi đây là một thất bại. Thay vào đó, đây là một cơ hội để học hỏi. Tôi học biết được những thứ sẽ khiến cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Và tôi cũng học được cách làm khác đi khi đứng trước một cơ hội mới trong tương lai, đó là tìm một người mà tôi phù hợp một cách tự nhiên hơn.

Tóm lại

Khi cuộc hôn nhân kết thúc, tôi thực sự rất buồn. Và nếu điều này xảy ra với bạn, tôi muốn chia sẻ nỗi buồn cùng bạn.

Nếu cuối cùng bạn đi theo con đường riêng của mình, thì ít nhất bạn cũng biết trong tim mình rằng bạn đã làm mọi thứ có thể để cứu vãn cuộc hôn nhân. Và sau đó bạn có thể nhìn lại và tìm ra cách để tiến về phía trước và làm điều đó tốt hơn vào lần tới – giống như tôi đã làm.

Theo Carol Morgan – Lifehack

Đọc thêm:

Biện pháp hữu hiệu giúp bạn chữa trị dứt điểm thói quen trễ nải

9 nguyên nhân dẫn đến nỗi buồn mà chúng ta không thể ngờ tới

73 views