Tôi đã từng có rất nhiều đồ dùng tân tiến, nhưng tôi lại toàn để ý đến những thứ mình không có. Vì thế tôi chẳng cảm thấy vui vẻ chút nào. Lúc nào tôi cũng có suy nghĩ, nếu mình có nó, mình sẽ rất vui, nếu không có nó, cuộc sống thật tồi tệ. Tôi cũng từng là một người theo kiểu “phòng ốc bừa bãi”. Trước đây tôi chẳng bao giờ vứt đi cái gì cả. Và vì tôi cũng rất thích các món đồ nên cái nào tôi cũng thấy thích, không tài nào mà vứt đi được. Sau khi gấp lại cuốn Lối sống tối giản của người Nhật, tôi đã thay đổi như trở thành một con người hoàn toàn khác.
Thông tin sách Lối sống tối giản của Nhật
- Tác giả: Sasaki Fumio
- Thể loại: Nghệ thuật sống, kỹ năng sống
- Nhà xuất bản: NXB Lao động
- Năm xuất bản: 06 – 2018
- Giá thành: 95.000 VNĐ
Lối sống tối giản của người Nhật gồm có năm chương. Trong đó, chương một, tác giả sẽ giới thiệu cho bạn lối sống tối giản là gì, đưa ra định nghĩa của ông về nó. Sau đó ông sẽ đưa ra lý do vì sao mình lại theo lối sống này sau nhiều năm sống trong căn phòng của bản thân.
Chương hai tác giả sẽ đề cập đến tại sao sau ngần ấy năm, đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế. Những đồ đạc được tích tụ lại do thói quen hay nhu cầu của con người này mang ý nghĩa gì?
Chương ba là những bí quyết để cắt giảm đồ đạc trong nhà. Tác giả sẽ đưa ra cho bạn những quy tắc cụ thể, những phương pháp để có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà. Thêm vào đó cũng sẽ giới thiệu cho bạn danh sách bổ sung 15 điều cho những người muốn tối giản hơn nữa cùng với toa thuốc cho “căn bệnh muốn vứt bỏ”.
Chương bốn là những thay đổi của chính tác giả sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà. Kèm theo đó, anh còn phân tích và khảo sát thêm về các kết quả nghiên cứu tâm lý học.
Cuối cùng chương năm, tiếp nối ý từ chương bốn, tác giả sẽ giải thích tại sao những thay đổi của bản thân lại dẫn đến “hạnh phúc”.
Chỉ ra thế nào là người có lối sống tối giản
Theo bạn, định nghĩa về một người sống tối giản là gì? Người sống tối giản là người như thế nào? Giảm bớt đồ đạc đến mức nào mới gọi là sống tối giản? Nếu phải đưa ra định nghĩa thì chắc hẳn có người sẽ bắt đầu từ quan điểm này. Theo tôi, người sống tối giản là:
- Người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình.
- Người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng.
Thực tế là không có tiêu chuẩn nào cho người sống tối giản cả. Sẽ không có chuyện nếu bạn có quá nhiều đồ dùng, bạn không phải là người sống tối giản. Hay nếu bạn giảm được đồ đạc trong nhà xuống dưới 100 thứ, bạn đã là người sống tối giản rồi. Nếu bạn có tivi, đó không phải là cuộc sống tối giản. Nếu bạn có thể nhét hết mọi vật dụng vào tủ quần áo, bạn thực sự là một người sống tối giản… Tất cả những điều đó đều không phải là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có phải sống tối giản hay không.
Quá nhiều đồ đạc khiến ta luôn bị làm phiền
Ta dành thời gian để nghiên cứu, chọn lựa, thanh toán và đón chào món đồ mới, học cách sử dụng, bảo quản và đôi khi sửa chữa nó. Việc ngày càng có nhiều đồ đạc sẽ khiến thời gian của bạn bị chia nhỏ cho những hoạt động liên quan đến chúng rồi dần bị chúng chi phối, thời gian dành cho bản thân sẽ ngày càng ít đi. Khi ấy việc dọn dẹp lại tâm hồn hay không gian sống là cách giải quyết mọi phiền não.
Tác giả mô tả quá trình “thanh lọc” đồ đạc cũng chính là sắp xếp tư duy “ỷ lại” của bản thân. Trước khi cam kết với lối sống tối giản, ông luôn tìm cho mình những lý lẽ để đổ lỗi và để khiến bản thân bớt tội lỗi vì duy trì một cuộc sống nhàm chán, chưa tôn trọng bản thân và không ngừng so sánh với người khác.
Sau khi đã chọn lọc, lưu lại và vứt bỏ những đồ đạc không cần thiết, tác giả khẳng định rằng ông không hề thiếu thốn như mình đã tưởng tượng và lại còn quá bừa bộn khiến đôi khi không còn biết đến sự tồn tại của những món đồ mà mình đã mua sắm.
Gắn tình cảm với việc sở hữu hay lưu trữ đồ đạc
Nhiều người cho rằng sở dĩ họ vui vẻ là bởi họ sở hữu những món đồ mới khiến “mọi người ngưỡng mộ”. Thực chất, cảm giác “vui vẻ” này không phải xuất phát từ bản thân mà đến từ bên ngoài. Đó là sự tác động của người khác hoặc từ cảm giác mới lạ vì được sở hữu một món đồ mà mình hằng ao ước. Do đó, cảm giác này nhanh chóng tan biến khi người khác không còn trầm trồ với món đồ mới của ông hay món đồ không còn mới mẻ nữa. Lúc này, một món đồ khác lại được nhắm đến khi niềm “hạnh phúc” sở hữu món đồ trước đã vơi đi. Đối với bản thân trước đây, đồ đạc còn gắn với những kỉ niệm và thật khó để tạm biệt chúng. Do đó, đồ đạc cứ ngày càng nhiều thêm vì không nỡ vứt đi những “tình cảm mọi người dành cho mình”.
Nay, tác giả đã thực hiện những cách thức rất gần gũi để không phải giữ lại những đồ đạc không dùng đến nữa, đó là số hóa những hình ảnh, tài liệu, thư tay, thiệp chúc mừng, v.v . và. Làm gọn gàng và giữ gìn sạch sẽ không gian sống cũng góp phần làm thông thoáng tâm trí và từ đó có những ý tưởng thú vị hơn.
Truyền tải “cái tôi” thông qua những món đồ có giá trị
Ngày nay, nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng, rất nhiều nhãn hàng không chỉ quảng bá sản phẩm với những mục đích cốt lõi của chúng mà gắn những sản phẩm này với việc “khẳng định” hình ảnh cho những chủ sở hữu. Chẳng hạn, việc bạn đang cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất thể hiện bạn là một người sành điệu, chịu chi và nắm bắt xu hướng. Đây là hình ảnh mà các nhãn hàng luôn hướng đến cho khách hàng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa con người của bạn phải được nhìn nhận thông qua chiếc điện thoại thông minh kia hay bất kì một sản phẩm đắt tiền nào khác. Bạn vẫn là chính bạn mà thôi. Sự sáng tạo hay phóng khoáng của bạn không chỉ vì việc không sở hữu một món đồ xa xỉ mà giảm sút được, có chăng chỉ là sự đánh giá của những người nhìn nhận người khác qua vật chất. Mà phàm những người như vậy thì chúng ta có cần tốn thời gian hay công sức để chứng minh cho họ thấy con người của mình như thế nào không.
Vứt bỏ đồ đạc có phải là lối sống tối giản?
Việc tác giả Fumio đề cập trong phần lớn các chương sách đến việc giảm thiểu đồ đạc không có nghĩa lối sống tối giản là lối sống vứt bỏ những đồ dùng của bản thân mà việc sắp xếp gọn gàng và lựa chọn những món đồ thật sự cần thiết cho cuộc sống mới là cách thức mà người sống tối giản theo đuổi. Có thể chúng ta sẽ bắt gặp một căn phòng tối giản hoàn toàn trống không và cực kỳ hạn chế đồ dùng trang trí cũng có thể đó là hình ảnh phòng khách với đầy đủ TV, bàn ghế sofa, một vài quyển sách và bộ ấm tách trà bên dưới một bức tranh phong thủy. Không ai có thể nhận định chính xác đâu mới là lối sống tối giản vì nhu cầu mỗi người khác nhau.
Như vậy, vứt bỏ đồ đạc chỉ là một phần trong quá trình tinh giản hóa cuộc sống để vươn tới lối sống tối giản mà thôi. Do đó, bản thân những người áp dụng cũng không nên quá cứng nhắc hoặc quá nóng vội khi vứt bỏ đồ đạc mà nên điều tiết và cho bản thân thời gian để thích nghi với những thói quen này.
Hành trình tìm ra “hạnh phúc”
Bằng việc đưa ra khái niệm về hạnh phúc của các nhà Tâm lý học tích cực, 40% hạnh phúc đến từ hành động của chúng ta. Tác giả đã liên kết lý thuyết này với chuyển biến tích cực về tâm lý của bản thân trong quá trình theo đuổi LSTG: tập trung nhiều hơn vào bản thân, không còn để tâm vào người khác, biết ơn nhiều hơn và trân trọng những gì mình đang có. Đó là cách mà ông “cảm thấy” hạnh phúc thay vì đạt được hạnh phúc như trước đây.
Thông điệp của cuốn sách:Tối giản không phải là vứt bỏ hết tất cả, mà là sử dụng một món đồ nhưng cho nhiều việc khác nhau. Sử dụng tối đa công dụng của các món đồ, vừa để tiết kiệm không gian, vừa mang tính thẩm mỹ.
Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.
Sau khi gấp lại cuốn sách, chúng ta nhận ra đến lúc bản thân mỗi người đã cần sẵn sàng cho cuộc cách mạng thay đổi bản thân để tốt hơn. Người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho mình chứ không phải là những thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh. Hiểu rõ những thứ mình cần, bỏ hết những thứ ngoài mức cần thiết, đó chính là người sống tối giản trong suy nghĩ của tôi.
39 views
Bài viết liên quan