Bài viết này sẽ cung cấp thêm kiến thức cũng như những trải nghiệm “rùng rợn” cho bạn về nền văn hóa, phong tục tập quán của một số quốc gia trên thế giới.
Phong tục tập quán là hình thái văn hóa nổi bật cho mỗi vương quốc xứ sở, mỗi đất nước đều sẽ có những phong tục tập quán khác nhau. Nhân loại ngày càng phát triển đem tới sự củng cố và lên cao hơn nữa ý thức gìn giữ và kế tục những truyền thống văn hóa đó. Cái nôi văn hóa đem đến cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ là những trải nghiệm khó tả.. khó tả tới mức bản thân chúng ta phải “rùng” mình “Họa chăng trên thế giới có tồn tại phong tục tập quán này sao?”. Sau đây, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một số phong tục tập quán theo tôi là nổi bật vẫn còn đang tồn tại ở trên thế giới.
1. Tục tổ chức lễ hội hôn rắn hổ mang ở Ấn Độ:
Ấn Độ – nơi mà con người và những con rắn hổ mang bành cực độc gần như không có khoảng cách.
Vào ngày thứ năm, tháng Kindu (giữa tháng 7 và tháng 8 là khoảng thời gian linh thiêng nhất đối với người dân Ấn Độ), hàng nghìn tín đồ Hindu lại quy tụ về tham dự lễ hội Rắn, hay còn gọi là lễ hội Naga Panchami.
Vào đúng ngày chính hội, mọi người sẽ thức dậy thật sớm để ra sông tắm rửa sạch sẽ, đây được xem là nghi thức “tẩy uế”. Trong khi đó, nhiệm vụ của những người huấn luyện rắn là đi đến từng nhà chúc phúc và đây cũng là dịp người dân được chiêm ngưỡng thần rắn. Ai cũng mong được thấy thần rắn một lần vì theo quan niệm lâu đời của văn hóa Hindu, nếu được thấy rắn mang bành thì sẽ gặp được phước lành và may mắn về sau.
Phần hội của Naga Panchami được bắt đầu trong sự náo nhiệt của đám đông. Đây cũng là khoảnh khắc mà trẻ em Ấn Độ mong đợi nhất vì chúng sẽ được thỏa thích chơi đùa với những con rắn mang bành mà không hề có ý niệm rằng chúng là những sinh vật.. cực độc.
Những người huấn luyện rắn thường dùng một loại nhạc cụ truyền thống để điều khiển rắn mang bành lắc lư theo các điệu nhạc. Những người huấn luyện rắn khi đó cũng chẳng ngại ngần mà trao cho chúng.. những nụ hôn và cả sự âu yếm. Cảnh tượng này thật sự khiến nhiều người phải “rùng mình” với nỗi sợ dành cho loài bò sát cực độc này.
2. Tục khiêu vũ cùng xác chết:
Nhắc đến Madagascar, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh của những chú chim cánh cụt đáng yêu. Nhưng các bạn có thể sẽ không ngờ rằng ở đây còn tồn tại tục khiêu vũ cùng xác chết.
Fimadihana hay còn gọi là tục khiêu vũ cùng xác chất là một phong tục của người dân Malagasy ở Madagascar. Lễ hội này được tổ chức 7 lần trong một năm nhằm tưởng nhớ những người thân đã mất và củng cố, khăng khít thêm mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Cứ như vậy, khi tới thời điểm của lễ hội thì những phần còn lại của người chết sẽ được đào lên và được con cháu mặc cho những bộ quần áo thật đẹp. Sau đó, cả người sống và người chết sẽ cùng nhau khiêu vũ, nhảy múa hân hoan trước phần mộ. Sau khi được đưa đi khắp làng thì người chết sẽ được chôn cất trở lại nơi phần mộ của mình.
3. Tục kéo cao chiều dài cổ bằng những chiếc vòng:
Tục lệ này được thực hiện bởi những người phụ nữ của tộc Kayan thuộc dân tộc Kareni, ngôn ngữ thuộc nhóm Miến – Tạng, có nguồn gốc cổ xưa tại vùng đất Myanmar. Từ lúc 5 tuổi, phụ nữ ở đây đã được đeo vòng lần đầu. Càng lớn thì càng có nhiều lễ, số vòng phải đeo cũng tăng theo và nặng hơn. Cổ người phụ nữ cứ dài ra theo năm tháng cho đến khi họ trở về với thế giới bên kia. Có người cổ cao đến gần nửa mét với trọng lượng của những chiếc vòng trên người phụ nữ có thể lên tới 16 kg.
Phụ nữ Kayan quan niệm đeo vòng cổ để giảm bớt đi sự xinh đẹp, từ đó tránh được ánh mắt soi xét của các bộ tộc khác và cũng sẽ không bị bắt đi làm nô lệ tình dục. Ngoài ra theo họ thì việc đeo nhiều vòng cổ khiến cổ dài hơn có thể tránh được sự tấn công của thú dữ vào cổ.
Nếu người phụ nữ ngoại tình thì sẽ bị tháo vòng cổ ra, điều này là rất đau đớn và đó được xem như một hình phạt.
4. Tục lồng đĩa vào môi dưới:
Truyền thống này là đặc trưng của Bộ tộc Mursi nằm ở một vùng đất xa xôi thuộc miền Nam Ethiopia, gần biên giới với Sudan.
Khi đã tới 15-16 tuổi, các cô gái ở đây sẽ được những người thân giúp đỡ khoét môi, kéo dài môi dưới sao cho có thể đặt được một chiếc đĩa vào. Những chiếc đĩa đặt trên môi các cô gái thường làm bằng gỗ hoặc sứ. Kích thước đĩa sẽ lớn dần theo độ tuổi của người phụ nữ, nó lớn đến khi nào họ hài lòng thì thôi. Các cô gái trẻ chưa chồng có thể đeo đĩa bất kỳ khi nào họ xuất hiện trước đám đông, còn những phụ nữ có chồng thì họ đeo đĩa ít hơn. Phụ nữ có chồng chỉ đeo đĩa khi phục vụ chồng trong bữa ăn, lúc tiếp khách hoặc khi khiêu vũ mà thôi. Với những người chồng đã qua đời, họ bỏ luôn chiếc đĩa trên môi.
Tùy theo từng bộ tộc thì đĩa sẽ được lồng vào môi dưới theo từng thời điểm khác nhau, nhưng đặc điểm chung đều thể hiện nét xinh đẹp của người phụ nữ, với quan niệm ai đeo được đĩa với kích thước càng lớn sẽ càng xinh đẹp, càng được quý trọng và sẽ nhận được nhiều của cải từ nhà trai khi đến độ tuổi kết hôn. Hai ý nghĩa khác của tục lệ này là họ tin rằng linh hồn ma quỷ sẽ tiến nhập vào từ miệng, đó là lý do tại sao sử dụng một tấm chặn.
5. Tục cắt các đốt ngón tay để tang người thân:
Đây thực sự là một tục lệ cổ vô cùng đáng sợ của tộc người Dani ở Indonesia. Họ cho rằng những người thân của người đã khuất cần phải chịu một nỗi đau thể xác tương ứng với nỗi đau tinh thần vốn có. Chỉ cần trong bộ lạc có người chết thì thân nhân của người chết phải dùng một chiếc rìu chặt các đốt tay trên cùng của mình để để tang cho người đã chết, những người này thường có mối quan hệ thân thiết, ruột thịt với người chết. Nếu người chết là những người tuổi cao trong bộ tộc thì ngón tay người thân bị chặt càng nhiều. Khi một người trong bộ tộc qua đời, người thân của của người xấu số như vợ hoặc chồng sẽ chặt cụt ngón tay và chôn chúng cùng với thi thể người quá cố.
Người dân cho rằng ngón tay đại diện cho cơ thể và linh hồn sẽ luôn đi theo người chết. Ngoài việc chặt cụt ngón tay, họ còn bôi tro hoặc đất sét lên mặt để bày tỏ nỗi buồn trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân yêu.
Họ cho rằng, phải làm như thế mới thể hiện lòng thành kính, làm vui lòng linh hồn tổ tiên nơi chín suối.
6. Tục hành xác Thaipusam:
Lễ hội này được tổ chức thường niên để kỷ niệm chiến thắng của thần Murugan trước những thế lực ma quỷ. Để giành được chiến thắng, Murugan đã sử dụng cây thương của mẹ mình là Mariamman hay thần Parvati. Vì vậy, cây thương này trở thành biểu tượng của buổi lễ. Trong lễ hội, những người tham gia sẽ dùng nhiều que nhọn xiên khắp cơ thể, bao gồm cả lưỡi. Qua thời gian, những nghi thức này trở nên ngày càng rùng rợn hơn, đầy màu sắc hơn với những cây xiên lớn được xiên qua ngực và mặt các tín đồ theo đạo Hindu.
7. Tục bó chân của phụ nữ Trung Quốc:
Tục lệ được thực hiện bởi những người phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến xa xưa. Những người lớn trong gia đình sẽ bắt đầu dùng băng vải để bó chân cho con gái, cháu gái họ từ khi mới chỉ 2-5 tuổi vì khi đó xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện và dễ uốn nắn.
Quy trình bó chân sẽ bắt đầu bằng việc ngâm chân trong nước lá dược thảo và máu động vật ấm. Sau đó tất cả móng chân sẽ bị cắt sâu để ngăn chặn sự phát triển của chân và sự nhiễm trùng. Từng bàn chân sau đó sẽ bị bẻ gãy, cuộn trong những dải băng và kéo giật mạnh về phía gót chân. Chân sẽ được bó như thế cho đến khi họ chết đi, để có được “gót sen” không quá 7,5 cm.
Người Trung Quốc quan niệm tục bó chân sẽ thể hiện sự sang trọng và quý phái của người phụ nữ. “Gót sen” là điểm thu hút đàn ông và cũng là khát vọng của người phụ nữ khi mong muốn có được một gia đình chồng giàu có. Với đôi chân nhỏ và bước đi uyển chuyển, theo họ đó như là một sức quyến rũ lạ kì. Ngoài ra việc trong một gia đình có nhiều phụ nữ có “gót sen” còn thể hiện sức mạnh kinh tế của người chủ trong gia đình.
101 views
Bài viết liên quan