Bài viết ngắn gọn của tác giả Leon Ho dưới đây sẽ khái quát quá trình hình thành thói quen và cung cấp cho bạn cách để loại bỏ thói quen xấu và luyện tập những thói quen tốt cho bản thân.
Ai ai trong chúng ta cũng có nhiều thói quen, dù là tốt hay xấu! Chúng ta bắt đầu hình thành thói quen ngay từ khi còn rất nhỏ, như việc ngậm ngón tay lúc bé hoặc ngủ trưa sau giờ đến trường khi đã lớn hơn, hay rời khỏi phòng trong khi đèn và tivi vẫn còn bật.
Hoặc cũng có thể kể đến như tách cà phê mà bạn phải có vào mỗi buổi sáng sớm, nếu không có tách cà phê này, bạn phải gồng mình để chiến đấu, làm chủ hành vi và nỗ lực để có thể tập trung trí tuệ vào công việc. Nhưng khi đã được tiếp sức bởi tách cà phê, động cơ trong người bạn như được khởi động và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.
Dù cho chúng ta có thích hay không thích đi chăng nữa, những hành vi đó vẫn hình thành như là một phần trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Vậy đâu là sức mạnh của thói quen?
Hãy dành ra một khoảng thời gian để liệt kê những thói quen có sức ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất. Sau đó, hãy xem thử đó có phải là những thói quen bạn thật sự thích hay không?
Thật không may mắn cho chúng ta khi không phải thói quen nào cũng tốt. Nhưng sẽ may mắn hơn khi chúng ta nhận ra được sự cần thiết của việc loại bỏ những thói quen xấu và luyện tập những thói quen tốt; và đó là lý do tại sao chúng ta chủ động tìm kiếm câu trả lời thông qua những quyển sách self-help, mạng internet, hay lời khuyên từ gia đình, bạn bè hoặc thuê một cố vấn để hướng dẫn chúng ta đi đúng đường.
Nhưng những giải pháp trên có thực sự hiệu quả hay không? Việc thay đổi thói quen là không hề dễ dàng, và bạn có thể mất nhiều năm để làm quen với những thứ mà bạn hiếm khi nhận ra sự tồn tại của chúng, chẳng hạn như việc luôn mang theo điện thoại bên mình để kiểm tra thông báo, hoặc tay luôn cầm sẵn những gói bánh snack hay khoai tây khi mở tivi, cùng nhiều thói quen khác nữa.
Thói quen hình thành như thế nào?
Vậy, thói quen là gì? Trước khi bắt đầu hành động để thay đổi những thói quen không mong muốn và tạo cho mình những thói quen mới, bạn cần biết được cách một thói quen hình thành như thế nào.
Não chúng ta có hai hệ thống riêng biệt khi đưa ra quyết định. Để đơn giản hơn, chúng ta sẽ gọi là hệ thống số 1 và hệ thống số 2.
Hệ thống số 1 là cách suy nghĩ tự động, nhanh và thường thuộc về tiềm thức. Nó tự động và hiệu quả, cần ít năng lượng và sự tập trung. Ví dụ như khi bạn lái xe hoặc đi bộ đến nơi làm việc, bạn tự động biết làm thế nào để đến đó mà không cần phải suy nghĩ hoặc tìm sự giúp đỡ khác. Điều này diễn ra cách tự nhiên với bạn.
Trái lại, hệ thống số 2 là hình thức suy nghĩ có chủ đích, có ý thức và được điều chỉnh cẩn trọng. Hình thức này cần nhiều năng lượng và nỗ lực để duy trì sự tập trung. Ví dụ như việc nghiên cứu và cân nhắc các lựa chọn nghề nghiệp khác nhau hay tìm một thực đơn cho bữa ăn tối.
Cả hai hệ thống này hoạt động cùng nhau. Khi đối mặt với một vấn đề cần giải quyết, não sẽ chọn giải pháp “lười biếng” (hệ thống số 1) trước theo một cách tự nhiên, vì giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng để tránh quá tải. Nếu sau khi sử dụng hệ thống số 1 và không tìm được giải pháp, não sẽ chuyển sang hệ thống số 2. Đó là cách não học và hình thành nên những hình mẫu để giải quyết việc đưa ra quyết định hằng ngày.
Vì thế, chìa khóa để xây dựng bất kỳ thói quen nào là đi từ hệ thống số 2 đến hệ thống số 1.
Quá trình hình thành một thói quen mới
Hãy lấy việc học một nhạc cụ mới để làm ví dụ.
Lúc bắt đầu, não của bạn không hình thành bất kỳ một hình mẫu hay liên kết nào. Mọi thứ đều mới, vì thế để chơi bản nhạc đầu tiên, bạn phải phụ thuộc vào hệ thống số 2 – suy nghĩ một cách cẩn thận, cần cù từng hành động, từng bước một.
Bây giờ, khi bạn luyện tập, các hành động lặp lại nhiều lần và não của bạn bắt đầu kết nối các liên kết với hành động của bạn. Dần dần, những liên kết này đi từ mức độ đơn giản đến phức tạp.
Cuối cùng, bạn sẽ thực hiện một cách tự động và dễ dàng hầu hết các hành động mà ban đầu chúng phức tạp. Bấy giờ, bạn đang sử dụng Hệ thống số 1 để chơi nhạc cụ mới này, và đó là cách mà tất cả các thói quen mới được hình thành.
Giờ đây, bạn đã biết thói quen là gì và cách chúng hình thành như thế nào. Nhưng trước khi bạn bắt đầu loại bỏ hay tập một thói quen mới, tôi muốn hỏi bạn một câu hỏi: Bạn có biết tất cả những thói quen của mình đang có là gì hay không?
Hai loại thói quen
Có hai loại thói quen: Thói quen có điều kiện và thói quen không điều kiện
Thói quen có điều kiện
Thói quen có điều kiện là những thói quen dễ dàng nhận ra. Thông thường, loại thói quen này cần có ý thức để duy trì. Nếu bạn không chú ý hoặc duy trì ý thức, thói quen này sẽ mau chóng biến mất. Việc nhận ra thói quen có điều kiện khá dễ dàng và bạn có thể tự mình kiểm tra lại cách nhanh chóng.
Ví dụ về thói quen có điều kiện có thể kể đến như thức dậy khi có đồng hồ báo thức vào mỗi buổi sáng, đi bộ vào buổi tối hay tập luyện hằng ngày, hoặc hút thuốc sau bữa ăn.
Thói quen không điều kiện
Trái lại, thói quen không điều kiện (thói quen tiềm ẩn) là những thói quen mà não chúng ta đã chuyển sang chế độ tự điều khiển. Việc xác định những thói quen này khá phức tạp vì chúng ta thường hoàn toàn không ý thức được chúng cho tới khi có những yếu tố bên trong phản ánh hay một người nào đó chỉ ra cho chúng ta. Vì thế, sẽ rất khó để xác định thói quen không điều kiện nếu chỉ bằng những đánh giá chung chung.
Có một điều bất ngờ là thói quen không điều kiện lại chiếm phần lớn trong các thói quen của chúng ta. Chúng được tiếp thu và bám rễ sâu vào trong lối sống và quá trình ra quyết định của chúng ta, vì thế bạn hầu như không nhận ra được những thói quen này khi chúng hoạt động.
Làm thế nào để nhận ra thói quen không điều kiện?
Có nhiều thói quen không điều kiện có thể nhận dạng được. Để tự nhận dạng, bạn cần hướng sự chú ý và làm rõ thói quen đó hơn.
Ví dụ như để nhận dạng những thói quen không điều kiện mà bạn thể hiện ra bên ngoài, hãy trả lời những câu hỏi dưới đây:
Thói quen thể chất:
- Bạn có thường đi bộ để tập thể dục hay không?
- Bạn có giữ cho lưng thẳng hay ngồi và đứng thẳng lưng không?
- Bạn uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Thói quen xã hội:
- Bạn chủ động hay né tránh việc giao tiếp bằng mắt với người khác?
- Đâu là những hành động hay cử chỉ bạn sử dụng nhiều nhất?
- Cụm từ hay từ nào bạn nói nhiều nhất?
Thói quen năng lượng:
- Đâu là hình mẫu cho bản thân mà bạn nghĩ tới mỗi đêm trước khi ngủ?
- Những việc bạn làm vào buổi sáng sau khi thức dậy là gì?
- Những bữa ăn phụ của bạn có tần suất như thế nào và diễn ra vào thời gian nào trong ngày?
Thói quen tinh thần:
- Phản ứng đầu tiên của bạn khi nhận chỉ trích là gì?
- Bạn cảm giác như thế nào khi thấy một người bạn chia sẻ hình ảnh một chuyến đi nghỉ xa hoa trên Facebook?
- Phản ứng của bạn trước những câu chuyện tiêu cực như thế nào?
Thói quen hiệu suất:
- Bạn có sắp xếp sự ưu tiên cho các nhiệm vụ trong công việc hay không?
- Bạn dựa vào đâu để đánh giá một công việc quan trọng hơn những công việc khác?
- Tần suất bạn kiểm tra điện thoại mỗi giờ để xem thông báo hay email như thế nào?
Tạm kết
Giờ đây, bạn đã xác định được đâu là những thói quen không điều kiện, bạn có muốn loại bỏ những thói quen không mong muốn, để bạn không còn là “tù nhân”của những thói quen ấy hay không?
Đừng để những thói quen xấu kéo bạn chậm lại và ngăn cản bạn bước đến cuộc sống mơ ước của mình. Dù là trong sự nghiệp hay đời sống cá nhân, những thói quen xấu luôn có thể phá hoại công việc và hạnh phúc của bạn. Trái lại, những thói quen tốt sẽ giúp bạn tăng hiệu quả công việc và đạt trạng thái tốt nhất. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng tập nhận ra những thói quen chưa tốt, tìm cách điều chỉnh và rèn luyện thêm nhiều thói quen hữu ích để mang lại hạnh phúc và thành công cho chính mình!
Theo Leon Ho (Lifehack)
Đọc thêm:
Lý do thật sự vì sao chúng ta không thích làm việc và cách để xoay chuyển tình hình
116 views
Pingback: 9 nguyên nhân dẫn đến nỗi buồn mà chúng ta không thể ngờ tới – Mẹo hay cuộc sống
Pingback: 5 điều kỳ diệu xảy ra khi bạn không ngừng học hỏi – Mẹo hay cuộc sống
Pingback: Làm thế nào để đầu tư cách thông minh cho thời điểm nghỉ hưu? – Mẹo hay cuộc sống